Trên thực tế có nhiều trường hợp người lao động đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng sếp không chấp thuận. Trong trường hợp này, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để hiểu hơn về vấn đề này nhé!
Mục lục
1. Xin nghỉ việc nhưng không được chấp nhận thì giải quyết thế nào?
Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần sự đồng ý của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động biết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019:
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, người lao động chỉ cần đảm bảo thời gian báo trước cho người sử dụng lao động biết theo quy định. Nếu đã thực hiện đúng việc báo trước thì bạn có thể nghỉ việc. Trường hợp này doanh nghiệp không có quyền từ chối hoặc không giải quyết.
Bên cạnh đó, người lao động có thể nghỉ mà không cần sự chấp thuận của doanh nghiệp, cũng không cần báo trước vì lý do sau:
Theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, người lao động nghỉ không nhất thiết phải có sự dồng ý của của công ty. Tuy nhiên, bạn vẫn cần báo trước cho công ty biết hoặc phải thuộc một trong các trường hợp trên. Khi nghỉ bạn cần thông báo thời gian để bàn giao công việc; thông báo các khoản tiền công ty cần thanh toán; hồ sơ công ty cần hoàn trả.
2. Nghỉ việc không báo trước bị phạt như thế nào?
Nếu bạn không thuộc các trường hợp nghỉ việc không cần báo trước thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ sau:
Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019:
- Người lao động không được nhận trợ cấp thôi việc.
- Người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động: nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Người lao động phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.
Trong đó, chi phí đào tạo bao gồm:
- Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành;
- Các chi phí khác hỗ trợ cho người học;
- Tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.
- Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!