Vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng: 3 điều cần biết để không bị thiệt

Vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng: 3 điều cần biết để không bị thiệt

Hết hạn hợp đồng nhưng vẫn làm việc, người lao động sẽ phải nhiều thiệt thòi. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi khi tiếp tục làm việc sau khi HĐLĐ hết hạn, NLĐ cần biết những điều sau. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!

1. Tiếp tục làm việc khi hết hạn hợp đồng, có bắt buộc ký hợp đồng mới?

Theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động bao gồm:

– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn

– Hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Với HĐLĐ xác định thời hạn, thời gian thực hiện hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên thời gian thực hiện hợp đồng không quá 36 tháng.

Theo đó, việc hết hạn HĐLĐ chỉ đặt ra khi các bên ký HĐLĐ xác định thời hạn. Vậy khi hợp đồng hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc có bắt buộc ký HĐLĐ mới không?

Trả lời cho câu hỏi này, điểm a khoản 2 Điều 20 BLLĐ năm 2019 đã nêu rõ:

2. Khi HĐLĐ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới;[…]

Như vậy, nếu người lao động vẫn làm việc sau khi hợp đồng lao động hết hạn, các bên bắt buộc phải ký hợp đồng mới trong vòng 30 ngày.

Khi ký HĐLĐ mới, các bên chỉ được ký thêm 01 lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Sau đó mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ các trường hợp tại điểm c khoản 2 Điều này:

a. Người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;

b. Sử dụng người lao động cao tuổi;

c. Sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

d. Gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

2. Trong thời gian chờ ký hợp đồng mới, người lao động hưởng quyền lợi gì?

Điểm a khoản 2 Điều 20 BLLĐ năm 2019 cũng quy định rằng:

Trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

Như vậy, khi chưa ký hợp đồng mới mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên vẫn được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký.

Đồng nghĩa rằng, mặc dù HĐLĐ đã hết hạn nhưng NLĐ vẫn được hưởng những quyền lợi được ghi nhận trong hợp đồng cũ. Trong đó, có thể kể đến các vấn đề sau:

– Được trả đầy đủ tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian làm việc.

– Được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết theo quy định.

– Được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cùng nhiều quyền lợi khác theo ghi nhận trong hợp đồng cũ.

3. Sau 30 ngày mà không ký hợp đồng mới, giải quyết thế nào?

Như đã đề cập ở trên, BLLĐ năm 2019 đã đặt ra giới hạn 30 ngày để người sử dụng lao động và người lao động tiến hành giao kết hợp đồng mới sau khi hợp đồng cũ hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc. Việc có ký tiếp hợp đồng mới hay không thường sẽ do NSDLĐ quyết định phần nhiều.

Sau 30 ngày mà doanh nghiệp không chịu ký hợp đồng mới thì quyền lợi của các bên sẽ được giải quyết theo điểm b khoản 2 Điều 20 BLLĐ năm 2019 như sau:

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Theo đó, nếu để người lao động tiếp tục làm mà không ký hợp đồng mới thì sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng mà các bên đã giao kết hết hạn, hợp đồng này sẽ tự động trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nếu sau 30 ngày mà người sử dụng lao động vẫn cố tình không ký hợp đồng lao động mới thì người lao động sẽ đương nhiên hưởng các quyền lợi của hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trên đây là những thông tin mà người lao động cần biết khi hết hạn hợp đồng vẫn tiếp tục làm việc. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *