Mục lục
Vấn đề trả lương cho người lao động khi làm việc tại nhà
Làm việc tại nhà là hoạt động thường xuyên trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Vậy doanh nghiệp có thể quy định vấn đề trả lương ra sao? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu vấn đề này trong bài viết này nhé!
1. Trường hợp người lao động phải làm việc tại nhà
a. Người lao động phải làm việc tại nhà mà công việc có nội dung và tính chất khác so với công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ. Đây được xem là trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ. Nội dung về vấn đề này được quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
“Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
…
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu”.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo HĐLĐ đối với vùng I (bao gồm TP.HCM) là 4.420.000 đồng/tháng.
Như vậy, trong 30 ngày làm việc đầu, nếu:
– Tiền lương công việc mới cao hơn tiền lương công việc cũ thì người lao động được trả lương theo tiền lương công việc mới.
– Tiền lương công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương công việc cũ.
Sau đó, người sử dụng lao động có thể trả lương thấp hơn. Nhưng ít nhất phải bằng 85% lương công việc cũ. Tuy nhiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
b. Người lao động phải làm việc tại nhà nhưng nội dung và tính chất công việc không thay đổi so với công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ.
Đối với trường hợp này thì người sử dụng lao động vẫn phải trả lương cho người lao động với mức lương như cũ.
2. Khi người lao động ngừng làm việc
Dịch bệnh COVID – 19 khiến không ít những người lao động phải tạm ngừng làm việc. Khi đó, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động theo quy định.
Theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 99. Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
…
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa … thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a)Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.
Trên đây là nội dung về vấn đề trả lương cho người lao động khi làm việc tại nhà, tạm ngừng công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19. Luật Vitam hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều kiến thức về vấn đề này. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!