Trường hợp nào người lao động sẽ phải đóng BHXH khi thử việc ?

Đóng bảo hiểm khi thử việc, trường hợp nào người lao động cần đóng? Thời gian thử việc tối đa là bao nhiêu lâu và có được coi là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ phép năm cho NLĐ không? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!

dong-bao-hiem-xa-hoi

Cơ sở pháp lý

– Mục 3 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH

– Điều 25 Bộ luật lao động năm 2019

– Điều 116 của Bộ luật lao động 2019

– Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

1. Trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng BHXH?

Căn cứ theo quy định tại Mục 3 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH về việc hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH :

– Đối với NLĐ có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì NSDLĐ và NLĐ phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

– Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ.

Như vậy, trong trường hợp NLĐ có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì công ty và NLĐ phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

Với trường hợp công ty và NLĐ giao kết 1 hợp đồng thử việc riêng thì sẽ không thuộc đối tượng đóng BHXH theo quy định.

2. Thời gian thử việc tối đa 

Căn cứ theo Điều 25 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thời gian thử việc thì:

– Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và phải bảo đảm thời gian:

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ
  • Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác

– Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà người lao động sẽ có thời gian thử việc tối đa theo quy định trên. Quá thời hạn thử việc này, người sử dụng lao động phải có thông báo đến người lao động về kết quả thử việc, hoặc là thử việc không đạt hoặc là các bên tiếp tục giao kết hợp đồng lao động.

3. Thử việc có được coi là thời gian làm việc tính ngày nghỉ phép năm? 

Căn cứ theo quy định tại  Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm, bao gồm thời gian:

– Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

– Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

– Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động 2019.

– Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

– Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

– Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

– Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, trường hợp sau thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người lao động thì đây được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *