Thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Chế độ thử việc theo quy định mới nhất hiện nay được hưởng là gì ? Và một số vướng mắc phát sinh của người lao động trong quá trình thử việc sẽ được Luật sư tư vấn và giải đáp.

1. Hợp đồng thử việc

Từ ngày 01/01/2021, thử việc được ký hợp đồng lao động. Đây là một điểm mới của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 so với BLLĐ năm 2012.

Theo Điều 24 BLLĐ năm 2019 quy định:

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Theo đó, các bên có thể lựa chọn một trong hai phương án sau:

  • Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động; hoặc
  • Ký hợp đồng thử việc.

Ngoài ra, thời gian thử việc đối với người lao động cũng có sự thay đổi. Theo Điều 25 BLLĐ năm 2019 quy định:

“a. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;

b. Không quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

c. Không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

d. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Trong thời gian thử việc, người lao động sẽ được nhận ít nhất 85% lương của công việc đã thỏa thuận.

2. Thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến vấn đề đóng thuế TNCN của người lao động là cá nhân cư trú.

Các loại thu nhập chịu thuế TNCN được quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.”

Tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động thuộc danh mục  khoản thu nhập chịu thuế. CHính vì vậy, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

3. Trường hợp thử việc không phải đóng thuế TNCN

a. Người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập tính thuế và thuế suất là căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Trong đó, thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ:

  • Một là, giảm trừ gia cảnh (với chính bản thân là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng);
  • Hai là, các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Ba là, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Như vậy, trong trường hợp này, người lao động phải nộp thuế TNCN khi:

  • Tổng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc)
  • Tổng thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng (có 01 người phụ thuộc)

Đồng nghĩa với, người lao động thử việc có thu nhập nhỏ hơn 11 triệu/tháng (nếu không có người phụ thuộc) hoặc lớn hơn 15,4 triệu đồng/tháng (nếu có 01 người phụ thuộc) sẽ không phải đóng thuế TNCN.

b. Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng

Trong trường hợp này, người lao động có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải  khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập.

Tuy nhiên, người lao động chỉ có duy nhất thu nhập nêu trên, tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm cam kết gửi người sử dụng lao động để không bị khấu trừ thuế. Đồng thời, người lao động còn phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *