Mục lục
Thủ tục xin nghỉ việc theo quy định mới của pháp luật
Thủ tục xin nghỉ việc hiện cũng được pháp luật quy định rõ ràng. Người lao động nên nắm rõ để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Vậy hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay về vấn đề này nhé!
Bước 1: Xác định thời hạn báo trước
a. Thời hạn báo trước theo loại hợp đồng
– Ít nhất 45 ngày đối với Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đây là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
– Ít nhất 30 ngày đối với Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
– Ít nhất 3 ngày đối với Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
b. Thời hạn báo trước theo ngành, nghề, công việc đặc thù
Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm:
a. Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
b. Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
c. Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
d. Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Quy định cụ thể:
– Ít nhất 120 ngày đối với Hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên với ngành, nghề, công việc đặc thù nêu trên.
– Ít nhất 1/4 thời hạn của HĐLĐ đối với Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với ngành, nghề, công việc đặc thù nêu trên.
c. Thời hạn báo trước đối với trường hợp đặc biệt
Bạn có thể nghỉ việc mà không cần báo trước trong các trường hợp sau:
a. Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật lao động;
b. Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật lao động;
c. Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d. Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
e. Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật lao động;
f. Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g. Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Bước 2: Soạn đơn xin nghỉ việc
Đơn xin nghỉ việc bạn có thể viết tay hoặc đánh máy, dù soạn theo cách nào thì bạn cũng nên cố gắng soạn nội dung một cách ngắn gọn, rõ ràng và nếu có căn cứ quy định thì càng tốt.
Và mặc dù quy định mới thì có khi bạn không cần lý do nghỉ việc mà chỉ cần thông báo, nhưng theo tôi bạn vẫn nên đưa ra 1 lý do nào đó trong đơn nghỉ việc.
Bước 3: Nộp đơn xin nghỉ việc
Nộp đơn xin nghỉ việc cho ai?
Về nguyên tắc, bạn cần nộp đơn xin nghỉ việc cho một trong những người sau đây:
a. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
c.Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d. Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Cách nộp đơn xin nghỉ việc như thế nào?
Có 2 cách cơ bản để nộp đơn xin nghỉ việc, tùy vào thực tế mà bạn có thể áp dụng:
a. Nộp đơn xin nghỉ việc trực tiếp, khi:
– Bạn xác định được đúng người để nộp đơn theo quy định
– Người nhận đơn của bạn có ký nhận để xác nhận thời gian nhận đơn xin nghỉ việc của bạn
b. Gửi Đơn xin nghỉ việc qua bưu điện / chuyển phát nhanh, khi:
– Bạn băn khoăn chưa biết nộp đơn xin nghỉ việc trực tiếp cho ai mới đúng quy định
– Người nhận đơn không đồng ý ký nhận / xác nhận đã nhận đơn của bạn
Ngoài ra bạn cũng có thể gửi email, tin nhắn hoặc các hình thức khác mà công ty nơi bạn đang làm việc cho phép áp dụng. Dù gửi theo cách nào bạn vẫn cần chứng cứ về thời gian mà công ty đã nhận được đơn xin nghỉ việc của bạn.
Trên đây là những tư vấn của Luật Vitam về thủ tục xin nghỉ việc. Nếu có câu hỏi nào liên quan tới vấn đề này hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.