Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh bao gồm những đối tượng nào? Thủ tục đăng ký người phụ thuộc theo quy định mới nhất cụ thể ra sao? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé!
1. Đối tượng người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh
Theo điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc gồm những đối tượng sau:
a. Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng.
– Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
– Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
– Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
b. Vợ hoặc chồng của người nộp thuế.
– Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
– Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
c. Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.
– Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
– Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
d. Cá nhân khác gồm:
– Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
– Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
– Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
– Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
2. Mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới
Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ ngày 01/7/2021 như sau:
Đối tượng được giảm trừ | Mức giảm trừ | |
Mức giảm trừ cũ | Mức giảm trừ hiện hành | |
Người nộp thuế | 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) | 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) |
Người phụ thuộc | 3,6 triệu đồng/tháng/người | 4,4 triệu đồng/tháng/người |
Mặc dù Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 nhưng áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020 khi quyết toán. |
3. Hồ sơ và thủ tục đăng ký thuế lần đầu cho người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh
Theo quy định tại khoản 10, Điều 7, Thông tư 105/2020/TT-BTC, hồ sơ, thủ tục như sau:
Nếu cá nhân uỷ quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập.Hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc gồm:
– Văn bản ủy quyền
– Giấy tờ của người phụ thuộc:
- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy CMND đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên;
- Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi
- Bản sao Hộ chiếu đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Nếu cá nhân không ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp các hồ sơ sau:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TCT;
– Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao CMND còn hiệu lực đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên;
– Bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu đối với người phụ thuộc có quốc tịch Việt Nam dưới 14 tuổi;
– Bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc khi đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Người nộp thuế sẽ được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Ngoài ra, khi nộp hồ sơ miễn trừ gia cảnh, người lao động cần lưu ý, mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.
Ví dụ: Vợ chồng anh A tại thời điểm làm hồ sơ miễn trừ gia cảnh có 01 người con là C đang 10 tuổi. C được xác định là người phụ thuộc nhưng chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho vợ hoặc chồng anh chị A, không được áp dụng cho cả hai người.
Trường hợp này, người nộp thuế tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!