Thời hạn báo trước khi người làm công việc đặc thù chấm dứt HĐLĐ
Người làm công việc đặc thù có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2019. Vậy thì những công việc đặc thù là ngành nghề như thế nào? Khi nào NLĐ làm công việc đặc thù cần báo sự việc trên với chủ lao động trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ ? Sau đây Luật Vitam xin giải đáp thắc mắc.
1. Ngành nghề thuộc nhóm công việc đặc thù chấm dứt HĐLĐ
Những ngành thuộc nhóm công việc đặc thù theo như quy định của pháp luật bao gồm:
– Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
– Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
– Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
– Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Các công việc liệt kê như trên dựa theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Nghị định quy định nhóm ngành đặc thù sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.
2. Thời hạn báo trước việc kết thúc HĐLĐ của người làm công việc đặc thù
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019, người làm công việc đặc thù có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Vậy khi nào người làm công việc đặc thù cần báo trước sự việc trên?
– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Điều khoản có nội dung như sau:
Điều 7. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù.
Ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động như sau:
2. Khi người lao động làm ngành, nghề, công việc quy định tại khoản 1 Điều này đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau:
a) Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
b) Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Kết luận: theo quy định, ta kết luận rằng: đối với HĐLĐ không xác định hoặc xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên, nếu người lao động đặc thù đơn phương kết thúc HĐLĐ cần báo trước ít nhất là 120 ngày. Đối với HĐLĐ dưới 12 tháng trở xuống, người lao động cần báo trước ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!