Thời gian giải quyết tranh chấp lao động là bao lâu?

Thời gian giải quyết tranh chấp lao động là bao lâu?

Giải quyết tranh chấp lao động là việc làm cần thiết trong doanh nghiệp. Để cân bằng lợi ích giữa các bên thì giải quyết tranh chấp là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, thời gian giải quyết tranh chấp liệu có nhanh? Luật Vitam sẽ giải đáp vấn đề này như sau:

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, mỗi loại tranh chấp sẽ có những cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khác nhau.
(i) Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Hoà giải viên lao động; Toà án nhân dân.
(ii) Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền: Hoà giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Toà án nhân dân.
(iii) Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: Hoà giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động.

2. Thời gian giải quyết tranh chấp lao động

Tùy thuộc vào tính chất, độ phức tạp của xung đột mà người lao động hoặc người sử dụng lao động sẽ lựa chọn cá nhân, cơ quan, tổ chức giải quyết phù hợp. Với mỗi đối tượng khác nhau thì thời gian giải quyết cũng có sự khác nhau.

2.1. Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên

Thông thường, những vấn đề phát sinh được giải quyết thông qua hòa giải viên là những tranh chấp đơn giản nhưng các bên lại không thể tự thỏa thuận, thương lượng được với nhau và cần tới bên thứ ba để đảm bảo khách quan, công bằng.
Đây cũng là phương thức giải quyết bắt buộc trước khi yêu cầu cơ quan, tổ chức khác giải quyết; trừ 05 loại tranh chấp:
a. Về xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b. Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c. Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d. Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
e. Về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải (theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012).

2.2. Giải quyết tranh chấp thông qua Chủ tịch UBND cấp huyện

Phương thức này chỉ áp dụng đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền khi đã hết thời hạn giải quyết mà hòa giải viên không tiến hành hòa giải, hoà giải không thành hoặc một trong 02 bên không thực hiện.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể, Chủ tịch UBND cấp huyện xác định loại tranh chấp về quyền hoặc về lợi ích.
Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành giải quyết (theo Điều 205 Bộ luật Lao động 2012).
Trường hợp đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì tối đa 12 ngày tranh chấp lao động sẽ được giải quyết.

2.3. Giải quyết thông qua Hội đồng trọng tài

Tương tự, phương thức giải quyết tranh chấp này cũng chỉ áp dụng với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sau khi đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc hết thời hạn hòa giải và đã được Chủ tịch UBND cấp huyện phân loại tranh chấp.
Trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động kết thúc việc hòa giải (theo Điều 206 Bộ luật Lao động).
Trường hợp này, nếu Hội đồng trọng tài hòa giải thành thì nhiều nhất 14 ngày tranh chấp lao động được giải quyết.
Ngoài ra, phòng trường hợp hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện hoặc hòa giải không thành thì pháp luật còn cho phép tập thể lao động được đình công để giải quyết tranh chấp.
giai-quyet-tranh-chap-lao-dong

2.4. Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án

Tòa án là phương thức giải quyết cuối cùng của mọi loại tranh chấp. Dựa theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời gian giải quyết tranh chấp lao động sẽ tương tự như giải quyết một vụ án dân sự. Cụ thể:

a. Tòa án nhận đơn qua 02 hình thức đó là:

– Nộp đơn trực tiếp, trực tuyến: Cấp/thông báo xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
– Nộp đơn qua dịch vụ bưu chính: Gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.

b. Tòa án xử lý đơn:

– Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện;
– Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét ra một trong các quyết định: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn; chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện.

c. Tòa án thụ lý vụ án:

– Trong 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí;
– Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức có liên quan được thông báo về việc Tòa đã thụ lý vụ án.

d. Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết:

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

e. Đương sự gửi ý kiến đối với yêu cầu của nguyên đơn:

Trong 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

f. Chuẩn bị xét xử vụ án:

– Thời gian chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp lao động là 02 tháng kể từ ngày thụ lý.
– Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì gia hạn không quá 01 tháng.

g. Xét xử sơ thẩm vụ án:

– Trong 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa mở phiên tòa;
– Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

h. Giao, gửi bản án:

Trong 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

i. Bản án có hiệu lực:

Bản án và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án.
Như vậy, với vụ tranh chấp thông thường (cấp sơ thẩm, không tạm hoãn, tạm ngừng, không bị kháng cáo, kháng nghị) thì mất khoảng 06 tháng để được giải quyết.
Trên đây là giải đáp về thời gian giải quyết tranh chấp lao động. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo của luatsulaodong.