Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyên được hưởng quyền lợi như thế nào?

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyên được hưởng quyền lợi như thế nào?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm. Đây là chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc vẫn có thể hưởng nhiều quyền lợi về khám, chữa bệnh, lương hưu,… Dưới đây là một số thông tin người tham gia BHXH tự nguyện cần nắm được. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!

bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật Bảo hiểm xã hội 2014

– Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;

– Văn bản hợp nhất 5237/VBHN-BLĐTBXH năm 2018 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Bảo hiểm xã hội là gì?

Theo khoản 1 điều 3 luật BHXH năm 2014, khái niệm BHXH được quy định như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản; tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.

Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/ 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Và khi nào cần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động căn cứ theo đúng quy định nêu trên xem mình thuộc nhóm đối tượng nào để có thể đóng BHXH.

Phân loại bảo hiểm xã hội:

Có 03 loại BHXH chính: BHXH bắt buộc, bổ sung và hưu trí bổ sung.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các cơ chế sau đây:

a. Ốm đau;

b. Thai sản;

c. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d. Hưu trí;

đ. Tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a. Hưu trí;

b. Tử tuất.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung

Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần đáp ứng các điều kiện:

– Là công dân Việt Nam;

– Đủ 15 tuổi trở lên;

– Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

4. Mức đóng bảo hiểm xã hội

– Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

– Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn.

– Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Khác với mức đóng 32% (trong đó NLĐ đóng 10,5% và NSDLĐ đóng 21,5%) của chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc thì theo Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Điều 10 trong văn bản hợp nhất số 5237, mức đóng bảo hiểm xã hội theo các phương thức đóng như sau:

a. Mức đóng theo tháng:

a.1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng).

a.2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

b. Mức đóng một lần cho nhiều năm:

b.1. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau (được đóng cho không quá 5 năm một lần) bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

b.2. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Lưu ý:

– Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

– Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

+ Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

+ Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định pháp luật;

+ Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong trường hợp này được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen

5. Chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật BHXH, BHXH tự nguyện có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

* Chế độ hưu trí:

– Điều kiện hưởng lương hưu: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

– Mức hưởng lương hưu:

+ Tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

– Ngoài ra, người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

– Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng được quy định tại Khoản 2, 3 điều này.

* Chế độ tử tuất:

Trợ cấp mai táng:

+ Đối tượng: thân nhân của NLĐ có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên; người đang hưởng lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp mai táng khi người đó mất.

+ Mức trợ cấp: 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó mất.

– Trợ cấp tuất:

Khác với người tham gia BHXH bắt buộc, chế độ tuất của người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có tuất một lần.

+ Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội. Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng  BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

+ Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng (mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội); trường hợp người lao động có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Trên đây là tư vấn của Luật Vitam về Quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện? Nếu còn vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *