Tạm hoãn hợp đồng do Covid-19, người lao động cần lưu ý gì?

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện chính sách tạm hoãn hợp đồng với nhiều người lao động. Vậy trong thời gian tạm hoãn hợp đồng do Covid-19 cần lưu ý những gì hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu!

1. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là gì?

Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định, vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa hai bên.

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật lao động 2019 thì trường hợp các bên được thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động như sau:

“1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

6. Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

7. Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

8. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.”

Tạm hoãn hợp đồng không phải là doanh nghiệp đưa ra quyết định thôi việc với người lao động mà chỉ tạm dừng một giai đoạn vì lý do phù hợp.

2. Thời gian tạm hoãn hợp đồng có được trả lương và đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động quyền lợi của của người lao động được giải quyết như sau:

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được trả lương và hưởng các quyền lợi theo hợp đồng lao động trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH  quy định về đóng bảo hiểm xã hội quy định như sau

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Như vậy, nếu thời gian tạm hoãn hợp đồng có thời hạn từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người lao động sẽ không được đóng các loại bảo hiểm của tháng đó.

 

3.  Xử lý khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động?

Tạm hoãn hợp đồng bởi Covid-19 thuộc trường hợp tạm hoãn do thỏa thuận của các bên nên thời hạn tạm hoãn hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận.

Căn cứ theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Điều 31. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, sau khi hết thời hạn này, người lao động sẽ được nhận trở lại để tiếp tục làm việc.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm  việc nếu hợp đồng còn thời hạn.

Căn cứ theo Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định  28/2020/NĐ-CP quy định thì nếu không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính với mức tiền từ 03 – 07 triệu đồng. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và người sử dụng lao động buộc phải trả lương cho người lao động trong những ngày người lao động không được nhận lại làm việc theo Điều 4 nghị định này

 

4. Tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19 được nhận tiền trợ cấp không?

Căn cứ theo Nghị quyết 68/NQ-CP muốn được hỗ trợ, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp… bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19.

– Có thời gian tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 15 ngày liên tục trở lên từ 01/5/2021đến hết 31/12/2021.

– Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.

5. Mức hỗ trợ

Mức hỗ trợ dành cho người lao động được tính như sau:

– Tạm hoãn hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên – dưới 01 tháng:

Trợ cấp 01 lần = 1.855.000 đồng/người

– Tạm hoãn hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên:

Trợ cấp 01 lần = 3.710.000 đồng/người

– Lao động nữ đang mang thai được hỗ trợ thêm = 01 triệu đồng/người.

– Nếu nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, người lao động được nhận thêm tiền hỗ trợ(chỉ hỗ trợ 01 người là cha hoặc mẹ) = 01 triệu đồng/trẻ em.

6. Thủ tục để được nhận trợ cấp

Người sử dụng lao động thực hiện các thủ tục nhận tiền hỗ trợ sau để người lao động được hưởng trợ cấp

Hồ sơ gồm:

– Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

– Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính một trong các giấy tờ sau:

  • Giấy tờ chứng minh lao động nữ đang mang thai
  • Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ
  • Giấy chứng nhận nuôi con nuôi
  • Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Nộp hồ sơ trước ngày 31/01/2022. Sau đó chờ được phê duyệt.

Luật Vitam đã cung cấp cho các bạn các thông tin pháp lý về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Mọi người hày tìm hiểu để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *