Quyền lợi NLĐ có bị ảnh hưởng khi tạm dừng, giảm mức đóng BHXH?

Người lao động vì rất nhiều lý do cũng như xuất phát từ các yếu tố khác như dịch bệnh nên việc đóng BHXH sẽ gặp nhiều gián đoạn. Điều này gây ra nhiều vướng mắc rằng liệu việc tạm dừng hay giảm mức đóng BHXH có ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động hay không. Trong bài viết này, Luật Vitam sẽ lý giải cụ thể hơn về vấn đề này.

Giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, NLĐ có bị giảm quyền lợi?

Trước đây doanh nghiệp sẽ phải đóng 0,5% hoặc 0,3 quỹ tiền lương cho cơ quan BHXH. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, doanh nghiệp sẽ được giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xuống còn 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Quy định việc giảm mức đóng này được áp dụng trong thời gian 12 tháng, từ 01/7/2021 đến hết 30/6/2022. Như vậy, doanh nghiệp không cần phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian này.

Vì do ảnh hưởng của yếu tố dịch bệnh nên chính phủ đã ban hành Nghị quyết này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy không được doanh nghiệp đóng loại bảo hiểm này do mức đóng là 0% nhưng người lao động vẫn được tính là đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ những căn cứ trên có thể khẳng định, nếu người lao động có xảy ra tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian giảm mức đóng thì quỹ BHXH vẫn sẽ chi trả đầy đủ các quyền lợi tương ứng cho người lao động. Vì vậy, việc giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người lao động

Ngoài ra, Nghị quyết 68 yêu cầu rằng, doanh nghiệp phải hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng bảo hiểm cho người lao động phòng chống Covid-19. Đây chính là quy định thể hiện sự quan tâm, ưu tiên dành cho người lao động trong thời kì ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, người lao động có bị thiệt thòi?

Trường hợp người sử dụng lao động mà bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian 06 tháng. Quy định này áp dụng với trường hợp nếu có hồ sơ đề nghị. Điều này căn cứ Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Điều 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Tổng thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất là không quá 12 tháng đối với doanh nghiệp đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP năm 2020. Trong khi đó, nếu thực hiện đóng bảo hiểm theo đúng quy định, mỗi tháng, người sử dụng lao động phải đóng 14% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Sau khi hết thời gian tạm dừng, người sử dụng lao động phải đóng bù. Bởi vậy quyền lợi của người lao động sẽ không bị ảnh hưởng.

Cụ thể hoản 1 Điều 7 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nêu rõ:

“1. Hết thời gian tạm dừng đóng quy định tại Điều 6 Quyết định này, người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng (đối với cả người lao động ngừng việc hưởng tiền lương theo Điều 99 Bộ luật Lao động), số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, căn cứ theo quy định trên nếu trong trường hợp hết thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động không thực hiện việc đóng bù. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ vừa phải đóng đủ tiền bảo hiểm, vừa phải nộp thêm tiền lãi chậm đóng. Quy định này nhằm đảm bảo người sử dụng đóng đầy đủ sau khi hết thời hạn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nếu trong thời gian đang tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất người lao động mà đủ điều kiện hưởng hưu trí, chế độ tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh phải đóng bù tiền bảo hiểm cho thời gian tạm dừng đóng để làm căn cứ cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động.

Kết luận

Từ những chia sẻ trên của Luật Vitam có thể thấy do nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh nên thời gian và mức đóng BHXH xảy ra nhiều gián đoạn. Tuy nhiên người lao động vẫn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này bởi quyền lợi vẫn được duy trì, đảm bảo. Nếu các bạn còn bất kì vướng mắc nào, hãy liên hệ ngay với đội ngũ của Luật Vitam để được giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *