Mục lục
- Quyền lợi khi nghỉ việc có thể người lao động chưa biết
- 1. NLĐ được nghỉ việc mà không cần phải có lý do
- 2. NLĐ nghỉ việc cần báo trước bao nhiêu ngày?
- 3. NLĐ nghỉ việc có bắt buộc phải bàn giao công việc không?
- 4. Người sử dụng lao động không có quyền giam lương khi NLĐ nghỉ việc
- 6. Được trả sổ BHXH và giấy tờ khác
- 7. Được nhận trợ cấp thôi việc
- 8. Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Quyền lợi khi nghỉ việc có thể người lao động chưa biết
Quyền lợi khi nghỉ việc đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên không phải người lao động nào cũng có thể biết được quyền lợi sau khi nghỉ việc. Luật Vitam sẽ giải đáp lĩnh vực này như sau:
Một số quyền lợi của người lao động khi nghỉ việc từ năm 2021:
1. NLĐ được nghỉ việc mà không cần phải có lý do
Trước đây, NLĐ có hợp đồng lao động xác định thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bắt buộc phải có 1 trong những lý do được nêu tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012. Đồng thời phải đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có lý do nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động theo thời gian quy định tại mục (2).
2. NLĐ nghỉ việc cần báo trước bao nhiêu ngày?
– Căn cứ pháp lý: Điều 35 Bộ luật lao động 2019
– Cụ thể:
NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
(1) Nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn thì phải báo trước ít nhất 45 ngày;
(2) Nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì phải báo trước ít nhất 30 ngày.
(3) Nếu làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì phải báo trước ít nhất 3 ngày.
(4) Nếu NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(5) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ ngay mà không cần phải báo trước:
a. Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận (trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động 2019);
b. Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019);
c. Người lao động bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập; có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d. Người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
e. Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLLĐ 2019;
f. NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 BLLĐ 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g. Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. NLĐ nghỉ việc có bắt buộc phải bàn giao công việc không?
– Căn cứ pháp lý: Điều 48 Bộ luật Lao động 2019
– Cụ thể: Về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động thì không bắt buộc NLĐ phải thực hiện việc bản giao. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao đồng, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác.
Như vậy, nếu như trong hợp đồng lao động hoặc giữa doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận về việc bàn giao công việc trước khi nghỉ việc thì người lao động phải có trách nhiệm bàn giao công việc theo quy định trên.
4. Người sử dụng lao động không có quyền giam lương khi NLĐ nghỉ việc
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, mọi người lao động đều được nhận khoản tiền này. Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trừ trường hợp quy định có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày (trong đó có tiền lương).
5. Được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép
Theo khoản 3 Điều 113, khi nghỉ việc NLĐ được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
6. Được trả sổ BHXH và giấy tờ khác
Khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2019 đã nêu rõ trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ như sau:
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nhấn mạnh:
a. Người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động
b. Xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu như NSDLĐ đang giữ sổ BHXH hoặc những giấy tờ khác thì phải có nghĩa vụ trả lại đầy đủ.
7. Được nhận trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 46 BLLĐ 2019, trợ cấp thôi việc được chi trả cho NLĐ đáp ứng đủ điều kiện sau:
a. Nghỉ việc do chấm dứt HĐLĐ theo trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật.
b. Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Theo đó, mỗi năm làm việc NLĐ sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động thôi việc.
8. Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do Qũy BHXH chi trả, chứ không phải NSDLĐ. Tuy nhiên để được hưởng khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việt làm 2013 .
Mức hưởng hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Trong đó:
a. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
– Mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
b. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
a. Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
b. Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Trên đây là một số điều người lao động cần biết khi nghỉ việc. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!