Quyền lợi của lao động thời vụ bị tai nạn lao động

Lao động thời vụ là một trong những đối tượng đặc biệt, bởi vậy khi gặp tai nạn lao động sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Một trong số đó là vấn đề quyền lợi được hưởng khi bị tai nạn trong quá trình lao động. Vậy với đối tượng này luật quy định cụ thể như thế nào, Luật Vitam sẽ cung cấp các quy định này tới quý vị và các bạn.

1. Lao động thời vụ bắt buộc phải có hợp đồng

Theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về loại hợp đồng lao động:

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”

Như vậy, điều kiện để được hưởng quyền lợi khi tham gia quan hệ lao động và gặp nạn thì người lao động cần kí kết hợp đồng lao động.

2. Được doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi bị tai nạn

Khi người lao động gặp nạn, người sử dụng lao động cần có trách nhiệm với người lao động. Đó là căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Cụ thể trách nhiệm:

– Sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

– Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động.

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người tham gia BHYT;

+ Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu có kết luận suy giảm dưới 5%;

+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người không tham gia BHYT.

– Trả đủ lương cho thời gian người lao động phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn không do lỗi của họ gây ra:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 – 80%;

+ Ít nhất 30 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn do lỗi của họ gây ra:

Ít nhất bằng 40% mức nêu trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

– Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định.

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

– Lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động cho người lao động.

3. Suy giảm khả năng lao động 5% trở lên được trợ cấp

Trợ cấp 1 lần

Trường hợp này áp dụng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 30%

Căn cứ theo Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 30% được hưởng trợ cấp 1 lần với mức: Suy giảm 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Mức trợ cấp = 5 x Mức lương cơ sở + (M – 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở

Trong đó: M là mức suy giảm khả năng lao động (5 ≤ M ≤ 30).

– Ngoài mức trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Từ 01 năm trở xuống được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm 01 năm được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.

Trợ cấp hàng tháng

Loại trợ cấp này áp dụng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

Căn cứ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị tai nạn lao động từ 31% trở lên được trợ cấp hàng tháng. Cụ thể với mức trợ cấp: Suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Mức trợ cấp = 30% x Mức lương cơ sở + (M – 31) x 2% x Mức lương cơ sở

Trong đó: M là mức suy giảm khả năng lao động (M ≥ 31).

– Ngoài mức trợ cấp nêu trên, hàng tháng, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Từ 01 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm 01 năm được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.

Trợ cấp phục vụ

Trường hợp này áp dụng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù 2 mắt hoặc cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần.

Theo Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, ngoài trợ cấp hàng tháng, mỗi tháng, người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ với mức bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc sau khi điều trị ổn định thương tật mà sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ:

– Tối đa 10 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

– Tối đa 07 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31 – 50%;

– Tối đa 05 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 15 – 30%.

Trong những ngày nghỉ này, mỗi ngày người lao động được trợ cấp 30% mức lương cơ sở.

Trợ cấp khi chết

Trợ cấp khi chế áp dụng cho lao động bị chết khi tai nạn lao động. Cụ thể tại Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành, mức trợ cấp bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết.

Kết luận

Như vậy, lao động thời vụ khi gặp tai nạn lao động có thể được hưởng các quyền lợi trên. Các quy định đó thể hiện sự quan tâm tới người lao động, giúp người lao động an tâm trong quá trình lao động. Hi vọng những chia sẻ của Luật Vitam sẽ  giúp ích tới quý vị và các bạn. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các chuyên mục tiếp theo của chúng tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *