Quy định về tạm ứng tiền lương mới nhất

Quy định về tạm ứng tiền lương là điều mà nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động đang quan tâm. Vậy vấn đề này hiện nay đang có những quy định cụ thể nào? Hãy cùng theo dõi ngay trong bài viết sau đây của Luật Vitam nhé!

tam-ung-tien-luong

1. Năm trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương

Theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, người lao động được tạm ứng tiền lương khi:

a. Hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng (khoản 3 Điều 97):

Trường hợp người lao động  hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán sẽ được trả lương theo thoả thuận của hai bên. Nếu như công việc phụ trách trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

b. Thực hiện nghĩa vụ công dân (khoản 2 Điều 101):

Đầu tiên chúng ta cần hiểu nghĩa vụ công dân là gì? Đây được hiểu là những công việc mà công dân bắt buộc phải tham gia thực hiện. Một số ví dụ có thể kể đến như: đi nghĩa vụ quân sự, tham gia bầu cử, trách nhiệm trong lao động,…

Người lao động được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Lưu ý: Trong trường hợp này, người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng. Riêng trường hợp người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

c. Nghỉ hàng năm (khoản 3 Điều 101):

Người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

d. Tạm đình chỉ công việc (khoản 2 Điều 128):

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Lưu ý: Thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không quá 90 ngày.

e. Theo thỏa thuận (khoản 1 Điều 101):

Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Với những quy định này có thể thấy, việc tạm ứng tiền lương của người lao động khi áp dụng Bộ luật Lao động mới không có bất cứ thay đổi nào so với hiện nay.

Đây được coi là sự ghi nhận cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

2. Được tạm ứng lương tối đa bao nhiêu?

Với mỗi trường hợp nêu trên, người lao động sẽ được tạm ứng tiền lương với một mức khác nhau. Cụ thể:

a. Trường hợp hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng:

Để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ:

Hàng tháng, người lao động được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc, mức lương tạm ứng sẽ phụ thuộc vào khối lượng, số lượng công việc người lao động đã làm trong tháng. Và theo cách người lao động, làm nhiều ứng nhiều, làm ít ứng ít.

b. Trường hợp thực hiện nghĩa vụ công dân:

Về trường hợp này, khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động mới có nêu:

Mức lương tạm ứng tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

c. Trường hợp nghỉ hàng năm:

Như đã đề cập, khi nghỉ hàng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

– Căn cứ: Điều 113 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:

Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm:

+ 12 ngày làm việc nếu làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc nếu là lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ 16 ngày làm việc nếu làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nếu làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Pháp luật chỉ quy định mức lương tạm ứng tối thiểu trong trường hợp này, mà không quy định mức tối đa. Do đó, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để tạm ứng số tiền lớn hơn tiền lương của những ngày nghỉ.

tam-ung-tien-luong

d. Trường hợp tạm đình chỉ công việc:

Tạm đình chỉ lao động là vấn đề thường gặp trong lao động. Khi người lao động không hoàn thành hoặc thực hiện sai nội quy người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc. Trong trường hợp này người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Việc này sẽ giúp đảm bảo người lao động có thể tiếp tục duy trì cuộc sống. Nếu có bị xử lý kỷ luật lao động thì người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

e. Trường hợp thỏa thuận:

– Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019

– Cụ thể:

Quy định này ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc tạm ứng tiền lương về điều kiện cũng như mức tạm ứng. Trên cơ sở này, pháp luật không hạn chế mức tối đa mà người lao động được tạm ứng.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động không được tính lãi với số tiền tạm ứng này.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *