Đăng ký nội quy lao động là một trong những vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm. Vậy có những quy định mới nào xoay quanh nội dung này? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Mục lục
1. Nội quy lao động là gì?
Nội quy lao động là một trong những văn bản pháp lý quan trọng trong việc xây dựng và duy trì ổn định các hoạt động trong doanh nghiệp. Đây là công cụ giúp nhà quản trị quản lý và điều hành doanh nghiệp một cách quy củ và thống nhất. Đồng thời đây cũng là căn cứ để thiết lập kỷ luật lao động và xử lý kỷ luật khi người lao động vi phạm. Chính vì vậy nội quy lao động là một văn bản cần có trong mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Việc ban hành quy định lao động cũng cần tuân thủ một số quy định cụ thể của pháp luật.
– Về chủ thể ban hành: Người sử dụng lao động chính là chủ thể được quyền ban hành nội quy lao động với mục đích kiểm soát và quản lý người lao động bên trong doanh nghiệp.
– Về quy định ban hành: Đối với những doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên thì bắt buộc phải có nội quy lao động. Những đơn vị có ít hơn 10 lao động (điển hình như các hộ kinh doanh gia đình) thì đây không phải là yêu cầu bắt buộc. Ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ này thì các quy định sẽ được thể hiện thông qua các yêu cầu hoặc mệnh lệnh của người sử dụng lao động. Ngoài ra quy định lao động phải được ban hành bằng văn bản. Điều này có nghĩa là các quy định, quy chế trong doanh nghiệp ban hành bằng miệng sẽ không hợp pháp.
– Về nội dung của nội quy lao động: Nội dung của nội quy cần thể hiện rõ ràng, đầy đủ các yêu cầu thống nhất bên trong doanh nghiệp. Người lao động sẽ phải tuân thủ đầy đủ các nội dung trong nội quy. Ví dụ về quy định thời gian làm việc trong doanh nghiệp thì người sử dụng lao động cần quy định cụ thể: Thời gian làm việc cụ thể trong một ngày; Thời gian bắt đầu và kết thúc công việc trong ngày; các quy định về làm thêm giờ, tăng ca,..(nếu có). Ngoài ra còn các quy định về nghỉ giữa giờ, nghỉ hằng tuần và hằng tháng… Như vậy, với một vấn đề còn có rất nhiều nội dung khác đi kèm. Trong nội quy cần thể hiện chi tiết, rõ ràng và cụ thể để tránh xảy ra tranh chấp khi người lao động không tuân thủ đúng.
2. Bổ sung nội dung của nội quy lao động
Ngoài các yêu cầu về nội dung và các quy định chi tiết mà nội quy lao động phải có theo Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 còn bổ sung trong nội quy lao động phải có thêm các nội dung:
– Bổ sung nội dung mới về vấn đề: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Bổ sung thêm các trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
– Bổ sung các quy định của người lao động đối với trách nhiệm vật chất;
– Bổ sung đối tượng có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Các quy định mới được bổ sung trong Bộ Luật Lao động 2019 đã góp phần củng cố và nâng cao khả năng quản lý của người sử dụng lao động. Từ đó giúp nhà quản trị doanh nghiệp dễ dàng thiết lập và kiểm soát trật tư bên trong doanh nghiệp, công ty. Qua đó cũng giúp tăng cường sự chặt chẽ trong việc đưa ra hướng xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra việc bổ sung quy định về “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” cũng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động; đặc biệt là những lao động nữ.
3. Bổ sung quy định về cơ quan đăng ký nội quy lao động
Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây thì đơn vị có thẩm quyền đăng ký nội quy là cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, tức là cơ quan chuyên môn vê lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).
Bộ luật Lao động năm 2019 ngoài việc giữ nguyên nội dung trên còn bổ sung thêm cơ quan đăng ký còn là cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện. Ở đây chính là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội khi được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền. Cụ thể, căn cứ theo khoản 5 Điều 119 Bộ Luật Lao động 2019 thì:
“Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động”
Như vậy, sẽ có hai cơ quan có thẩm quyền mà người sử dụng lao động có thể đăng ký nội quy lao động đó là: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (Khi được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội uỷ quyền). Đây được coi là một quy định linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở các tỉnh/thành phố lớn. Nó sẽ giúp tiết kiệm thời gian trình duyệt và đăng ký, giảm tải áp lực cũng như thời gian chờ đợi của các đơn vị có thẩm quyền cũng như doanh nghiệp.
Trên đây là những quy định mới bổ sung mà Luật Vitam đã cập nhật. Chúng tôi mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu còn câu hỏi nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!