Phân biệt Hợp đồng lao động và Hợp đồng cộng tác viên

Hợp đồng lao động và Hợp đồng cộng tác viên có gì khác nhau? Đây là câu hỏi được rất nhiều người lao động quan tâm hiện nay. Bài viết này của Luật Vitam sẽ cung cấp cho bạn những thông tin để có thể hiểu rõ hơn những quy định về vấn đề trên.

1. Hợp đồng lao động là gì?

Điều 13 Bộ luật lao động 2019 quy định hợp đồng lao động như sau:

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”

Ngoài ra, hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Đây là hợp đồng bắt buộc phải giao kết trước khi NLĐ tham gia làm việc cho NSDLĐ.

2. Hợp đồng cộng tác viên là gì?

Hợp đồng cộng tác viên là một loại hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015,

“Điều 513. Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

Như vậy, trong hợp đồng CTV, cộng tác viên sẽ là bên thực hiện dịch vụ. Khi đó, bên nhận cộng tác viên làm việc sẽ chi trả chi phí dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ khi hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian cụ thể mà hai bên đã thỏa thuận.

3. Sự khác biệt giữa hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên

3.1. Nội dung

Hợp đồng lao động:

Theo Điều 21 BLLĐ 2019 thì HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Hợp đồng cộng tác viên:

Hợp đồng cộng tác viên lại không quy định những nội dung bắt buộc phải có. Hợp đồng chỉ cần thể hiện được sự thỏa thuận về công việc, lợi ích của các bên khi ký kết hợp đồng này.

3.2. Thời hạn

Hợp đồng lao động:

Theo Điều 20 BLLĐ 2019 thì HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Hợp đồng cộng tác viên:

Hợp đồng cộng tác viên không quy định cụ thể hay giới hạn thời gian làm việc. Tùy theo tính chất công việc mà các bên thỏa thuận thời gian làm việc cũng như thời hạn của hợp đồng cho phù hợp. Các bên có thể thỏa thuận về thời gian làm việc cụ thể theo ngày, theo tháng, theo năm hoặc cũng có thể thảo thuận theo tiến độ hoàn thành công việc.

3.3. Chế độ bảo hiểm

Hợp đồng lao động:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên (Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế và Điều 43 Luật Việc làm). 

Hợp đồng cộng tác viên: 

Không áp dụng chế độ BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc và BHTN cho người đối tượng này.

3.4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng lao động:

Bộ luật lao động quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (Điều 35 Bộ luật lao động 2019) và người sử dụng lao động (Điều 36 Bộ luật lao động). Trong đó có quy định về những trường hợp đơn phương cần báo trước và những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Hợp đồng cộng tác viên:

Hợp đồng cộng tác viên không quy định cụ thể về thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Các bên tự thỏa thuận với nhau để có thời gian sắp xếp công việc hợp lý.

Trên đây là bài viết để phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật thông tin mới nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *