Quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng đang là vấn đề rất nóng hiện nay. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Vậy phải có thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục trong Nội quy lao động như thế nào? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu!
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
2. Thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”
Theo đó, các hành vi quấy rối tình dục được quy định cụ thể tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, bao gồm các hành vi sau:
- Thứ nhất, hành vi mang tính thể chất như: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục.
- Thứ hai, quấy rối tình dục bằng lời nói như: lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.
- Thứ ba, quấy rối tình dục phi lời nói như: ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử
3. Phải có thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục trong Nội quy lao động từ 2021
Theo điểm d Khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 69. Nội quy lao động
…
2. Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động gồm những nội dung chủ yếu sau:
…
d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định tại Điều 85 Nghị định này;”
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi phát xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục.
4. Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Người sử dụng lao động sẽ quy định trong Nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động.
Các nội dung cơ bản theo Khoản 1 Điều 85 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định:
“a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.”
Quy định về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi này phải đảm hai nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, nhanh chóng và kịp thời;
- Thứ hai, bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
5. Kết luận
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì trong Nội quy lao động của các doanh nghiệp phải có quy định về quấy rối tình dục . Nội quy lao động doanh nghiệp đã xây dựng trước đó chưa có quy định về vấn đề này hoặc chưa có những nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành thì bắt buộc phải sửa đổi nội quy lao động.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!