Mục lục
Những điểm mới trong giải quyết tranh chấp lao động từ 01/01/2021
Giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) là một trong những điểm mới trong Bộ luật lao động 2019. Bài viết sau đây Luật Vitam sẽ chỉ ra 10 điểm mới trong nội dung này. Mời độc giả cùng đón đọc ngay sau đây.
1. Tranh chấp lao động là gì?
– Căn cứ pháp lý: Bộ luật lao động 2019
– Cụ thể: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện NLĐ với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”
2. Các loại tranh chấp thường gặp
Các loại tranh chấp bao gồm:
– TCLĐ cá nhân giữa NLĐ với người sử dụng lao động; giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa NLĐ thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
– TCLĐ tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện NLĐ với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
3. Những điểm mới trong tranh chấp lao động từ ngày 01/01/2021
3.1. Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động ít nhất là 15 người
– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 185 BLLĐ 2019
– Cụ thể: Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. It nhất là 15 người. Bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử. Ccụ thể như sau:
a. Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b. Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
c. Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
3.2. Hội đồng trọng có thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân
– Căn cứ pháp lý: Điều 187 BLLĐ 2019
– Cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
a. Hòa giải viên lao động;
b. Hội đồng trọng tài lao động (quy định mới);
c. Tòa án nhân dân.
3.3. Các TCLĐ cá nhân không bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết (Điều 188):
a. Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b. Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c. Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d. Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
e. Về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
f. Về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (quy định mới);
g. Giữa NLĐ thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại (quy định mới).
3.4. Giải quyết TCLĐ cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
Trong đó, việc giải quyết TCLĐ cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động được quy định như sau (quy định mới):
a. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp theo quy định. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
b. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm (1), Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
c. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
d. Trường hợp hết thời hạn quy định tại điểm (2) mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại điểm (3) mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
e. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
3.5. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hội đồng trọng tài lao động
– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 190 BLLĐ 2019
– Cụ thể: thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết TCLĐ cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (quy định mới).
Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
3.6. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TCLĐ tập thể về quyền bao gồm:
– Hòa giải viên lao động;
– Hội đồng trọng tài lao động;
– Tòa án nhân dân.
(hiện hành quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm Hoà giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án nhân dân)
3.7. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (Điều 194)
– Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
(Hiện hành chỉ quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết TCLĐ tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm)
3.8. Trường hợp NLĐ có quyền đình công (Điều 199)
Tổ chức đại diện NLĐ là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 BLLĐ 2019 để đình công trong trường hợp sau đây:
– Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
– Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết TCLĐ hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết TCLĐ của Ban trọng tài lao động.
3.9. Trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm:
– Không thuộc trường hợp được đình công (Mục 8).
– Không do tổ chức đại diện NLĐ có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;
(Hiện hành quy định “Trường hợp tổ chức cho những NLĐ không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công”)
– Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công (quy định mới).
– Khi tranh chấp tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
– Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công theo quy định;
– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Bài viết đã chỉ ra những điểm mới trong giải quyết TCLĐ. Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc