Người lao động tự ý nghỉ 5 ngày làm việc liên tục có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Người lao động tự ý nghỉ 5 ngày làm việc liên tục thì công ty sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? Khi công ty đơn phương chấm dứt với lí do NLĐ tự ý nghỉ việc trên 5 ngày thì NLĐ có được nhận tiền trợ cấp thôi việc không? Bài viết sau đây của Luật Vitam sẽ giải đáp vấn đề này.

Cơ sở pháp lý

– Khoản 1 Điều 36 Bộ Luật lao động năm 2019

– Khoản 3 Điều 36 Bộ Luật lao động năm 2019

– Khoản 1 Điều 46 Bộ Luật lao động năm 2019

– Khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

1. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ tự ý nghỉ việc 5 ngày liên tục

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 36 Bộ Luật lao động năm 2019 :

” Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.”

Căn cứ quy định trên, đối với trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước. Việc người lao động tụ ý bỏ việc không có lý do chính đáng như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Vì vậy, chế tài này đưa ra là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng lao động, vừa đảm bảo kỷ luật lao động cho người lao động.

2. NLĐ tự ý nghỉ 5 ngày làm việc liên tục có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ Luật lao động năm 2019, trợ cấp thôi việc được chi trả trong những trường hợp sau:

“Điều 46. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”

Dẫn chiếu đến quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:

–  Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

–  Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

Vì vậy, đối với trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *