Mục lục
- Người lao động sẽ thiệt như thế nào nếu công ty chậm đóng Bảo hiểm y tế
- 1. Mối quan hệ giữa Bảo hiểm y tế và người lao động
- 2. Công ty có được phép chậm đóng tiền bảo hiểm cho người lao động 1 tháng không ?
- 3. Công ty chậm đóng Bảo hiểm y tế, người lao động bị thiệt thế nào?
- 4. Làm thế nào để người lao động có thể đòi lại quyền lợi của mình trong trường hợp công ty không đóng Bảo hiểm y tế?
Người lao động sẽ thiệt như thế nào nếu công ty chậm đóng Bảo hiểm y tế
Sự phát triển Bảo hiểm y tế đã đóng góp lớn trong quá trình nâng cao chất lượng đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt đối với người lao động . Nếu công ty chậm đóng bảo hiểm thì người lao động sẽ bị thiệt như thế nào? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
1. Mối quan hệ giữa Bảo hiểm y tế và người lao động
Khái niệm:
a. Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Qua đó nhằm giảm thiểu các chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là trong các trường hợp như tai nạn nghề nghiệp, bị bệnh,…
b. Bảo hiểm y tế do Nhà nước cung cấp không nhằm mục đích lợi nhuận mà còn là chính sách xã hội. Vì thế, người dân có trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm.
Các hình thức tham gia
Bảo hiểm y tế có 2 hình thức tham gia:
a. Bảo hiểm y tế bắt buộc
b. Bảo hiểm y tế tự nguyện.
Trong hình thức bảo hiểm bắt buộc, người lao động nằm trong những đối tượng phải đóng bảo hiểm theo quy định. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ thuộc nhóm do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng Bảo hiểm y tế.
2. Công ty có được phép chậm đóng tiền bảo hiểm cho người lao động 1 tháng không ?
– Căn cứ pháp lý: Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
– Cụ thể:
Hàng tháng, người lao động phải đóng tiền Bảo hiểm xã hội. Khoản tiền này từ trích 1.5% tiền lương/ tháng để đóng góp vào Quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chi ra 3% mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động. Hàng tháng, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm đóng khoản thu đó cho Bảo hiểm xã hội. Hạn chậm nhất là cuối tháng.
– Căn cứ pháp lý: Khoản 73 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH sửa đổi bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH. Cụ thể:
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng Bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung.
Như vậy, người sử dụng lao động có thể đóng chậm tiền bảo hiểm cho người lao động chậm nhất là 29 ngày.
Kể từ 30 ngày trở lên, chủ công ty, doanh nghiệp sẽ phải chịu xử phạt vi phạm theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể như sau:
Người có hành vi vi phạm quy định của Luật bảo hiểm y tế và quy định khác của pháp luật có liên quan đến Bảo hiểm y tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Công ty chậm đóng Bảo hiểm y tế, người lao động bị thiệt thế nào?
Khi công ty chậm đóng tiền Bảo hiểm y tế, người lao động sẽ không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hoặc nếu có, không được gia hạn giá trị sử dụng. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe do khách quan hay chủ quan, người lao động sẽ phải tự mình chi trả tất cả khoản khám chữa bệnh, viện phí thay vì được hỗ trợ cho các chi phí trên theo thường lệ. Điều này đồng nghĩa với việc thẻ Bảo hiểm y tế mất đi giá trị vốn có của nó, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người lao động.
4. Làm thế nào để người lao động có thể đòi lại quyền lợi của mình trong trường hợp công ty không đóng Bảo hiểm y tế?
– Căn cứ pháp lý: điểm b khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014
– Cụ thể:
Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng Bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ Bảo hiểm y tế.
Như vậy, người lao động có thể yêu cầu được hoàn trả tất cả khoản chi phí trong phạm vi Bảo hiểm y tế từ người sử dụng lao động trong thời gian khám chữa bệnh không có sự hỗ trợ Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng. Đồng thời, nộp số đủ số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền thời gian nộp chậm.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!