Cung cấp thông tin cá nhân trước khi giao kết hợp đồng lao động được quy định là nghĩa vụ của cả người sử dụng lao động và người lao động. Vậy người lao động phải cung cấp thông tin cá nhân nào trước khi ký HĐLĐ? Luật Vitam sẽ giải đáp thắc mắc này qua bài viết sau:
Mục lục
1. Người lao động phải cung cấp thông tin cá nhân nào trước khi ký HĐLĐ?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động
2. Người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Như vậy, theo quy định trên thì khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động sẽ phải cung cấp các thông tin cá nhân như:
– Họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú;
– Trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khỏe;
– Các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NSDLĐ yêu cầu.
2. Công ty phải cung cấp thông tin gì khi giao kết HĐLĐ?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động công ty cũng phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin như:
– Công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động;
– Tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
– Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
– Vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NLĐ yêu cầu.
3. NLĐ có phải nộp bản gốc văn bằng, chứng chỉ?
Hiện nay, nhiều trường hợp để ép buộc người lao động làm việc, nhiều doanh nghiệp có quy định khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động phải nộp lại bằng đại học hoăc các văn bằng, chứng chỉ khác có liên quan đến công việc được giao kết. Tuy nhiên, đây là hành vi bị nghiêm cấm trong Bộ luật lao động, được quy định rõ ràng tại Điều 17 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì một trong những hành vi mà NSDLĐ không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Do đó, người lao động sẽ không cần phải nộp bản gốc văn bằng, chứng chỉ cho doanh nghiệp.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Luật Vitam để được trực tiếp tư vấn, giải đáp. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!