Dịch bệnh hoành hành khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cũng chính vì vậy mà cuộc sống của nhiều người lao động cũng bị ảnh hưởng. Để giúp đỡ người lao động ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội, Chính Phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ một khoản trợ cấp. Tuy nhiên nhiều người lao động mất việc làm vẫn đang còn thắc mắc về gói hỗ trợ Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP. Bài viết của Luật Vitam sẽ giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Người lao động mất việc làm có mức thu nhập bao nhiêu sẽ được nhận hỗ trợ Covid?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg như sau:
“Điều 7. Điều kiện hỗ trợ
1. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020;”
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg như sau:
“Điều 1. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
1. Các tiêu chí về thu nhập
a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.”
Như vậy, theo quy định trên thì người lao động không có giao kết HĐLĐ sau khi bị mất việc làm được nhận tiền hỗ trợ do Covid-19 nếu có thu nhập dưới mức 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
2. Nộp hồ sơ hưởng hỗ trợ Covid đến cơ quan nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg như sau:
“Điều 8. Hồ sơ và trình tự, thủ tục
1. Hồ sơ đề nghị theo Phụ lục kèm theo Quyết định này, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã sau ngày 15 hằng tháng. Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định này và ngược lại.”
Theo đó, người lao động tự do bị mất việc làm sẽ phải lập hồ sơ theo Mẫu số 04 và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã ở nơi thường trú hoặc tạm trú sau ngày 15 hàng tháng để yêu cầu giải quyết.
3. Mức hỗ trợ cho Người lao động tự do bị mất việc làm
Mức hỗ trợ Căn cứ theo quy định tại Mục II Nghị quyết 42/NQ-CP như sau:
“Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như sau:
4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.”
Như vậy, theo quy định trên thì đối với người lao động tự do bị mất việc làm thì sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
4. Nghỉ không lương 15 ngày do dịch covid thì có được nhận tiền hỗ trợ không?
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, có quy định:
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường… bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12 -2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người.
Như vậy, theo quy định nêu trên nếu bạn làm việc tại doanh nghiệp được quy định trên:
a. Trường hợp nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên từ 1-5- 31-12-2021 cũng như tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi nghỉ việc thì sẽ được hỗ trợ 1.855.000 đồng/người.
b. Trường hợp nghỉ việc 15 lên từ 1-5- 31-12-2021 nhưng không liên tục thì không được hưởng trợ cấp.
Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!