Mục lục
Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không?
Tham gia công đoàn là tham gia vào tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và người lao động. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Vì vậy, người lao động có quyền tự do tham gia công đoàn mà không một tổ chức cá nhân nào có quyền ép buộc họ. Luật Vitam sẽ làm rõ vấn đề này dưới đây:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Lao động 2012;
– Luật Công đoàn 2012.
2. Người lao động không bắt buộc phải tham gia công đoàn?
Theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
1. Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn.
Khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 quy định:
1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, người lao động có quyền tham gia hoặc không tham gia vào công đoàn, chứ không bắt buộc.
3. Những quyền lợi được hưởng khi tham gia công đoàn
Khoản 1, 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“1. Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này; tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật về lao động, pháp luật về công đoàn cho người lao động.”
Như vậy, khi tham gia công đoàn, người lao động sẽ được công đoàn đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động như:
+ Tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; thang lương, bảng lương; định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng; nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;
+ Tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động;
+ Đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động.
Trên đây là tư vấn về việc người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không? Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên Luật Vitam để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!