Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến phần lớn người lao động. Vì vậy chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116 nhằm hỗ trợ, giúp người lao động ổn định cuộc sống, vượt qua đại dịch. Với lao động nữ nghỉ thai sản được coi là trường hợp đặc biệt, vậy họ nghỉ thai sản thì có được hưởng khoản hỗ trợ này hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật Vitam chúng tôi.
Mục lục
1. Nghỉ thai sản có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 116?
Đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Mục II Nghị quyết 116. Theo đó, các đối tượng như sau:
– Người lao động đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021.
– Người lao động đã dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng trong thời gian từ 01/01/2020 – 30/9/2021 có thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu.
Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc trong thời gian 06 tháng. Thời gian này bao gồm cả thời gian trước và sau khi sinh con của lao động nữ. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ người con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người lao động nữ này sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm của lao động nữ nghỉ thai sản. Cụ thể:
“Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.”
Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, đây lại không phải thời gian được tính đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
“Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.”
Từ các quy định trên đây, lao động nữ nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên thì vẫn được tính là thời gian đóng Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, lao động nữ sẽ không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đối chiếu theo quy định tại Nghị quyết 116, nếu tại thời điểm 30/9/2021, lao động nữ đang nghỉ thai sản (từ 14 ngày trở lên) thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ Nghị quyết 116.
2. Đi làm sớm khi thai sản có được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 116?
Điều kiện để lao động nữ được phép đi làm sớm:
– Thứ nhất, đã nghỉ thai sản ít nhất 04 tháng, đã báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
– Thứ hai, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc đi làm sớm không ảnh hưởng sức khỏe.
Nếu đáp ứng đồng thời đủ 2 điều kiện trên thì người lao động nữa sẽ được phép đi làm sớm.
Căn cứ điểm 6.3 khoản 6 Điều 42 Quyết định 595, lao động nữ đi làm trước khi hết hạn nghỉ thai sản thì từ khi đi làm lại là thời gian chưa hết thời gian nghỉ thai sản. Theo đó lao động nữ và đơn vị sử dụng lao động phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN…
Có thể thấy, khi đi làm lại, điều này đồng nghĩa lao động nữ đó vẫn sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Nếu tại thời điểm 30/9/2021, lao động nữ đi làm lại sớm trong khi nghỉ thai sản mà đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116.
3. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của Luật Vitam về việc hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ đối với lao động nữ trong thời kì nghỉ thai sản. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp người lao động giải quyết được những vướng mắc của mình. Luật Vitam luôn sẵn sàng giải đáp tất cả các câu hỏi của quý khách hàng.