Hiện nay theo quy định, các bộ, công chức, viên chức cần đáp ứng các yêu cầu về mặt độ tuổi mới được nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đặc biệt nghỉ hưu trước tuổi như tinh giản biên chế. Vậy những trường hợp này có được hưởng lương hưu hay không? Nếu có thì mức hưởng được xác định như thế nào? Cùng tham khảo bài dưới dưới đây của Luật Vitam nhé!
Mục lục
1. Điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế
Theo quy định của luật, để người lao động được hưởng lương trong trường hợp này cần tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 4126/BNV-TCBC. Theo đó, để được nhận lương hưu hằng tháng ngay sau khi nghỉ việc, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế phải thuộc một trong hai nhóm đối tượng sau:
Nhóm 1: Người có đủ các điều kiện sau:
– Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động (tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường).
Năm 2021: Độ tuổi để được về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế:
+ Cán bộ, công chức, viên chức nữ: Phải từ đủ 50 tuổi 04 tháng.
+ Cán bộ, công chức, viên chức nam: Phải từ đủ 55 tuổi 03 tháng.
– Đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm trở lên.
Nhóm 2: Người có đủ các điều kiện sau:
– Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động (trường hợp được nghỉ hưu trước không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường).
Năm 2021: Để được về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế:
+ Cán bộ, công chức, viên chức nữ: Phải từ đủ 45 tuổi 04 tháng.
+ Cán bộ, công chức, viên chức nam: Phải từ đủ 50 tuổi 03 tháng.
– Đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có thêm một trong hai điều kiện sau:
+ Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
+ Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.
Như vậy, để được nghỉ hưu sớm do tinh giản biên chế và được hưởng lương hưu cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện đã nêu ở trên. Nếu thuộc một trong hai nhóm này, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về vấn đề lương hưu của mình.
2. Mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế
Cán bộ, công chức, viên chức được xác định thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, mức hưởng lương hưu của những người này sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Cụ thể:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Cụ thể:
Tỉ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
– Đối với lao động nữ: Cần đóng đủ 15 năm BHXH: Được hưởng tỷ lệ bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm, tỷ lệ hưởng được tính thêm 2%. Lưu ý: Tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.
– Đối với lao động nam: Trường hợp nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH sẽ được tính tỷ lệ hưởng là 45% (Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Đóng đủ 20 năm BHXH thì được tính tỷ lệ hưởng là 45%), sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Lưu ý: Tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.
Trường hợp đặc biệt: Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm do tinh giản biên chế sẽ không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Trong khi các trường hợp thông thường thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng.
– Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì được làm tròn. Quy tắc làm tròn như sau:
+ Lẻ từ 01 – 06 tháng: Tính là nửa năm.
+ Lẻ từ 07 – 11 tháng: Tính là 01 năm.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
Căn cú theo quy định tại Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về công thức áp dụng tính tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định nên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể từng trường hợp:
– Có toàn thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương nhà nước quy định:
+ Bắt đầu tham gia BHXH trước năm 1995:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 60 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 1995 – 2000
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 72 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2001 – 2006:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 96 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2007 – 2015:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 120 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 – 2019:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 180 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2020 – 2024:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc / 240 tháng
+ Bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2025 trở đi:
Mbqtl = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của toàn thời gian đóng / Tổng số tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Nếu tham gia BHXH trước năm 2016: Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu.
- Nếu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi: Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo từng thời kỳ.
– Trước đó có thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định:
Mbqtl = (Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo tiền lương do Nhà nước quy định + Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo tiền lương cho doanh nghiệp quyết định) / Tổng số tháng đóng BHXH.
3. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ về lương hưu của các đối tượng nghỉ hưu sớm do tinh giản biên chế. Đây là những quy định mới nhất mà Luật Vitam muốn chia sẻ tới quý vị và các bạn. Trường hợp quý vị và các bạn còn bất kì vướng mắc nào hãy liên hệ với đội ngũ của chúng tôi để được giải đáp.