Làm thêm giờ là điều mà chúng ta không còn quá xa lạ khi tham gia quan hệ lao động. Đây là thời gian làm thêm bên cạnh thời gian làm chính. Bên cạnh việc hưởng lương theo thời gian làm thêm thì người lao động còn được nghỉ bù cho khoảng thời gian này. Vậy theo quy định mới nhất thì thời gian nghỉ này được xác định như thế nào, Luật Vitam sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.
Câu hỏi số 1:
Anh A tham gia lao động tại một công ty X. Thời gian qua, do việc cá nhân, anh A có xin nghỉ bù một số ngày trong ngày làm việc thì công ty lại tính 1 ngày làm thêm (Làm ngoài giờ) tương đương 1 ngày nghỉ bù trong ngày làm việc. Như vậy, trường hợp này công ty X đã xử lý theo đúng quy định hay chưa?
Trả lời:
Thời gian làm việc bình thường của người lao động được quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể:
“Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.”
Như vậy, theo quy định này, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Về tiền lương làm thêm giờ được quy định cụ thể tại Điều 97, Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể:
“Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.”
Với trường hợp người lao động cần nghỉ bù, người sử dụng lao động bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian do phải làm việc thêm giờ nên không được nghỉ. Nếu thời gian đi làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần bằng 8 giờ/ngày thì được nghỉ bù 8 giờ vào một ngày khác.
Việc công ty trả lương cho người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần bằng 200% đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm là đúng quy định. Trường hợp người lao động muốn nghỉ bù, thì được nghỉ bù 1 ngày và được hưởng 100% lương ngày là có lợi cho người lao động.
Việc bố trí cho người lao động nghỉ bù là bù cho số thời gian người lao động do làm thêm giờ không được nghỉ. Như vậy yêu cầu của anh A yêu cầu nghỉ bù một số ngày thì công ty phải căn cứ vào số thời gian mà anh A đã làm thêm giờ không được nghỉ. Trong trường hợp đó, công ty X tính 1 ngày làm thêm (Làm ngoài giờ) tương đương 1 ngày nghỉ bù trong ngày làm việc là phù hợp với quy định của pháp luật hiện nay.
Câu hỏi số 2:
Chị M đang làm tại 1 kí túc xá (KTX) của 1 trường Đại học, thời gian làm việc từ 7h sáng hôm nay đến 7h sáng hôm sau rồi nghỉ đúng 24h rồi đi làm, không có ngày nghỉ chủ nhật. Nếu được nghỉ chỉ được nghỉ ngày đi làm tối từ 7h đến 7h sáng hôm sau. Tính sơ qua 1 tuần, chia đều thời gian chị M làm việc là 12h/ngày không có ngày nghỉ đi làm đêm chỉ được hỗ trợ 15k 1 đêm. Hơn nữa, lương không được thêm gì cả. Vậy câu hỏi đặt ra là bên sử dụng lao động trong trường hợp này có vi phạm quyền lao động không? Vì theo hợp đồng lao động ký 8h/ngày và có 1 ngày nghỉ.
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 98, Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
“Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Dựa theo các quy định trên, trường hợp của chị M làm việc vào ban đêm, làm thêm thờ vào ban đêm, ngày nghỉ hàng tuần thì phải được trả lương theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật này. Về vấn đề bên sử dụng lao động áp dụng thờ giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và tính tiền lương như câu hỏi đặt ra là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Kết luận
Trên đây là tư vấn của Luật Vitam về vấn đề nghỉ bù làm thêm giờ theo theo quy định mới nhất của luật lao động. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp người lao động bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia quan hệ lao động.