Nên làm gì khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Nên làm gì khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật? Các quy định nào về xử lý người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu qua tình huống sau đây nhé!

Tình huống:

1. Thông tin

– Ngày 15/11/2018 tôi ký hợp đồng thử việc với công ty Công ty A. Sau 02 tháng thử việc, ngày 15/01/2019, tôi ký Hợp đồng lao động số 151/2019/HĐLĐ có thời hạn 02 năm.

– Chức vụ: Kế toán trưởng. Mức lương: 15.000.000 đồng/tháng (chưa bao gồm phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đồng phục và các phúc lợi khác).

– Sau khi hợp đồng lao động số 151/2019/HĐLĐ hết hạn, tôi có gửi email hỏi chị giám đốc công ty về việc ký tiếp HĐLĐ để tăng mức lương so với hợp đồng cũ vì tôi đã đáp ứng điều kiện đủ thâm niên 02 năm để tăng lương nhưng công ty không phản hồi và tôi vẫn đi làm từ đó.

2. Vấn đề

– Tới ngày 01/04/2021, giám đốc công ty gọi tôi lên và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ của tôi vì lý do: Tôi không hoàn thành công việc tháng 3 năm 2021 và quan trọng là hợp đồng lao động của tôi đã hết hạn rồi nhưng công ty châm chước để tôi đi làm thêm mấy ngày để nhận lương nốt tháng 3. Giám đốc đưa tôi một biên bản gia hạn hợp đồng lao động đến hết ngày 01/04/2021, một văn bản xác nhận không hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu tôi ký tên nhưng tôi không ký vì sự việc này quá bất ngờ.

– Giám đốc nói nếu tôi ký thì sẽ thanh toán cho tôi ngoài tiền lương tháng 3, sẽ thêm 1/3 tiền lương tháng 4, phép năm của nửa  năm 2021 và hỗ trợ tôi nửa tháng tiền lương để tìm việc làm. Còn nếu tôi không ký thì cứ theo quy định hợp đồng hết hạn, bàn giao, và nghỉ việc, làm ngày nào lấy lương ngày ấy. Việc công ty nói tôi không hoàn thành công việc là không đúng vì tôi chỉ đi làm muộn 2 ngày trong tháng (muộn khoảng 15 phút) mà bị đánh giá là không hoàn thành công việc. Tôi quá bức xúc. Mong luật sư tư vấn giúp tôi nên làm thế nào ? Tôi có thể kiện công ty này ra toà được không ?

don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong

Trả lời

1. Quan hệ lao động sau khi hợp đồng lao động cũ chấm dứt

– Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019

– Cụ thể:

“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;”

Như vậy, HĐLĐ cũ tuy đã hết hạn nhưng lại chuyển thành HĐLĐ mới. Vậy nên cơ bản quan hệ lao động của bạn với Công ty A vẫn tồn tại. Do hợp đồng lao động ký đúng thẩm quyền nên hoàn toàn hợp pháp. Việc công ty A ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bạn trong khi vẫn còn thời hạn hợp đồng là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có đúng quy định pháp luật không?

– Căn cứ pháp lý: Điểm b khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019

– Cụ thể:

” Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;”

– Quy định về thời gian báo trước:

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;”

Kết luận:

Công ty gửi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho bạn ngày 01/04/2021. Ngày có hiệu lực của quyết định đó cũng là 01/04/2021. Về cơ bản công ty đã vi phạm thời gian báo trước.

=> Theo quy định tại Điều 39 BLLĐ 2019, hành vi của Công ty A là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty A đối bạn là quyết định trái pháp luật.

3. Trách nhiệm của công ty trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng

Nghĩa vụ

– Căn cứ: Điều 41 BLLĐ năm 2019

– Cụ thể, công ty A phải có nghĩa vụ sau:

Trường hợp 1: Nhận lại bạn vào làm việc.  Trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày bạn không được làm việc. Bồi thường ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu bạn không đồng ý quay lại thì phải trả trợ cấp thôi việc.

Trường hợp 2: Nếu công ty A không muốn nhận lại bạn và được bạn đồng ý thì phải trả trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc. Và bồi thường ít nhất 04 tháng tiền lương theo .

Trong cả hai trường hợp nêu trên, nếu vi phạm thời gian báo trước đều phải bồi thường một khoản tiền lương tương ứng với số ngày chưa báo trước.

Các khoản bồi thường người lao động có thể nhận

Như vậy, bạn có thể yêu cầu công ty thanh toán và bồi thường các khoản sau:

– Thanh toán tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc (ước tính từ 01/04/2021);

– Bồi thường ít nhất 02 tháng tiền lương (nếu bạn đồng ý quay trở lại làm việc) hoặc ít nhất 04 tháng tiền lương theo HĐLĐ (nếu công ty không muốn nhận lại bạn);

– Tiền trợ cấp thôi việc;

– Tiền lương tương ứng với 45 ngày không báo trước;

– Thanh toán những ngày phép năm chưa nghỉ hết trong năm 2020, 2021 (nếu có).

4. Thủ tục khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Quan hệ pháp luật có tranh chấp:

Căn cứ HĐLĐ số 151/2019/HĐLĐ, Quyết định chấm dứt HĐLĐ của Công ty A và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32 BLTTDS, xác định quan hệ tranh chấp là quan hệ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Chủ thể có quyền khởi kiện:

Bạn là người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật của Công ty A. Căn cứ theo quy định tại Điều 186 BLTTDS, bạn có thể tự mình khởi kiện hoặc khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp (ví dụ cá nhân/tổ chức được bạn ủy quyền).

Thời hiệu khởi kiện:

Theo quy định tại Điều 190 BLLĐ 2019, thì thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Đối chiếu trường hợp của bạn, vụ việc vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

Thủ tục hòa giải:

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 BLTTDS và điểm a khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019, tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ là tranh chấp không cần phải thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động.

Các yêu cầu nêu tại Mục 3. Trách nhiệm của Công ty A khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật là hệ quả của việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên những yêu cầu này không bắt buộc phải hòa giải với hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Căn cứ quy định tại Điều 39, Điều 40 BLTTDS 2015, Quý khách hàng có thể lựa chọn khởi kiện vụ án nêu trên ra một trong các nơi sau:

– Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn (Công ty A) có trụ sở; hoặc

– Tòa án nhân dân quận/huyện nơi Quý khách hàng cư trú.

Trên đây là những giải đáp của Luật Vitam cho tình huống nêu ra. Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.