Năm 2021 trường hợp nào người lao động được nhận trợ cấp mất việc làm?

Nhận trợ cấp mất việc là quyền lợi của người lao động. Trợ cấp mất việc làm do ai chi trả? Trợ cấp mất việc làm được tính như thế nào?… Đó là những câu hỏi nhiều người lao động. Bài viết dưới đây Luật Vitam sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.

1.Trợ cấp mất việc làm là gì?

Trợ cấp mất việc làm là khoản trợ cấp mà người lao động được hưởng sau khi bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019. Người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm.

Bao gồm:

– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Điều 42 Bộ luật lao động)

– Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 43 của Bộ luật Lao động 2019)

2. Mức tiền trợ cấp

Cứ mỗi năm làm việc người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc làm. Trong đó:

– Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: 

+ Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau; thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

+ Thời gian nghỉ việc để điều trị; phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương: Nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng năm; nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên; nghỉ việc riêng; nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.

– Và thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; bảo hiểm thất nghiệp.

– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); nếu trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

4. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc 

– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

– Nếu trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

– Nếu trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận. Nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Chú ý: Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *