Năm 2021 hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cần nộp giấy tờ gì?

Hưởng chế độ ốm đau là một trong những quyền lợi quan trọng của người lao động. Vậy đến năm 2021 để được hưởng chế độ này hồ sơ hưởng cần những gì? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!

1. Chế độ ốm đau là gì? 

Ốm đau, bệnh tật là điều không một ai mong muốn. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như sinh hoạt của con người, đặc biệt là người lao động. Họ có thể phải tạm dừng công việc do điều kiện sức khoẻ không tốt. Chính vì vậy để hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khó khăn đó, pháp luật đã đưa ra quy định về hưởng chế độ ốm đau.

Đây được coi là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Nó không chỉ giúp bảo đảm nguồn thu nhập cho người tham gia BHXH tạm thời bị gián đoạn do phải nghỉ việc vì ốm đau, tai nạn,…mà còn giúp ổn định đời sống của chính gia đình và người thân người lao động.  Đối với người sử dụng lao động, bằng việc đảm bảo thu nhập cho người lao động, chế độ ấy góp phần không nhỏ trong việc ổn định tâm lý, tăng năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

chế độ ốm đau

2. Đối tượng hưởng chế độ ốm đau

– Căn cứ pháp lý: Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

– Cụ thể: Các đối tượng sau đây sẽ là người được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật:

  • Người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
  • Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Đối tượng lao động là cán bộ, công chức hay viên chức. Là Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan công an; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;
  • Người quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương.

2. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau năm 2021

– Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định như sau:

Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả

2.1. Đối với chế độ ốm đau: Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:

2.1.1. Trường hợp điều trị nội trú

a) Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

b) Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

2.1.2. Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.”

Như vậy hồ sơ hưởng chế độ ốm đau sẽ bao gồm có: Giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động nếu điều trị nội trú; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú; Giấy khám, chữa bệnh dịch bằng tiếng Việt nếu khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Đây là những hồ sơ quan trọng cần có, người lao động nên lưu ý

3. Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian bao lâu?

Quy định về thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau căn cứ vào Điều 102 và Điều 116 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Quy định cụ thể như sau:

Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Ngoài ra:

Điều 116. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 và khoản 2 Điều 110, khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản.”

Để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động sẽ cần nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Sau đó người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH huyện/tỉnh nơi tham gia bảo hiểm. Và sau khi nhận đủ hồ sơ thì đơn vị sử dụng lao động lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và nộp cho cơ quan BHXH nơi đóng BHXH trong vòng 10 ngày. Đối với trường hợp giao dịch điện tử thì lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN, nếu chưa chuyển đổi hồ sơ giấy sang dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *