Mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2021

Mức lương tối thiểu vùng 2021 được hiểu là mức lương thấp nhất làm cơ sở để NLĐ và doanh nghiệp thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động. Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng và được ấn định theo tháng, giờ. Mà không còn khái niệm ‘lương tối thiểu ngành’. Cụ thể như thế nào, hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Mức lương tối thiểu vùng là gì? 

Theo quy định khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2019: Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

2. Căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng

Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo đó chính sách về mức lương tối thiểu vùng vùng cũng đã có những thay đổi. Nếu như trước đây căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu dựa trên 3 tiêu chí gồm nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế xã hội; mức tiền lương trên thị trường.

Đến nay tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật lao động 2019 mức lương tối thiểu sẽ được xác định dựa trên tiêu chí:

– Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

– Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường.

– Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế.

– Quan hệ cung, cầu lao động.

– Việc làm và thất nghiệp.

3. Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng bao gồm:

– Những cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, và những cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê, mướn người lao động theo HĐLĐ.

– Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và quản lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

– Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động quy định.

– Hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, liên hiệp hợp tác xã. Và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê người lao động theo hợp đồng lao động.

4. Mức lương tối thiểu vùng 

Kể từ ngày 01/01/2021, mức lương tối thiểu vùng tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP với mức như sau:

Mức lươngĐịa bàn áp dụng
4.420.000 đồng/thángDoanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I
3.920.000 đồng/thángDoanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II
3.430.000 đồng/thángDoanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III
3.070.000 đồng/thángDoanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV

5. Áp dụng mức lương tối thiểu vào doanh nghiệp

Mức lương tối thiểu vùng khi áp dụng vào Doanh nghiệp phải đảm bảo:

– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất.

– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương đối với người lao động làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua đào tạo nghề, học nghề. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Cụ thể:

VùngMức lương tối thiểu vùng cho người đã qua học nghề
Vùng 1= 4.420.000 + (4.420.000 x 7%) = 4.729.400 đồng/tháng
Vùng 2= 3.920.000 + (3.920.000 x 7%) = 4.194.400 đồng/tháng
Vùng 3= 3.430.000 + (3.430.000 x 7%) = 3.670.100 đồng/tháng
Vùng 4    = 3.070.000 + (3.070.000 x 7%) = 3.284.900 đồng/tháng

6. Điểm mới về Mức lương tối thiểu từ ngày 01/01/2021

a. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ

Căn cứ quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội;

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

b. Không còn khái niệm “Lương tối thiểu ngành”

Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định khái niệm mức lương tối thiểu ngành nữa.

c. Thêm nhiều căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 91 Bộ luật lao động 2019 thì mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các căn cứ sau:

– Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

– Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;

– Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;

– Quan hệ cung, cầu lao động;

– Việc làm và thất nghiệp;

– Năng suất lao động;

– Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Vitam về Mức lương tối thiểu vùng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *