Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn người lao động có phải bồi thường hay không? Nếu có thì mức bồi thường la bao nhiêu? Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Mục lục
1. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật
Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về 13 trường hợp Chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 177 của Bộ luật này.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại Khoản 5, Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật lao động.
– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật lao động.
– NSDLĐ cho NLĐ thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật lao động.
– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Hợp đồng lao động được giao kết dựa vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, qua đó thiết lập quan hệ lao động. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà quạn hệ này có thể chấm dứt. Việc chấm dứt được pháp luật lao động quy định cụ thể, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích giữa các bên, rằng buộc quyền và nghĩa vụ, hạn chế nhất tác động tiêu cực nếu có xảy ra tranh chấp trên thực tế.
2. Mức bồi thường của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 và Điều 39 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
….
Điều 39. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.”
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019 thì:
“Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu người lao động có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn mà lý do không thuộc những trường hợp ưu tiên thì sẽ phải bồi thường các nghĩa vụ tài chính nêu trên cho người sử dụng lao động. Và các khoản chi phí trên người lao động sẽ phải thanh toán đầy đủ cho người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước hạn bởi một trong các lý do nêu trên (theo Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14) thì người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sau đây:
– Phải thông báo cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản. Ngoại trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật lao động.
– Có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động trong vòng 14 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng
– Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trả lại các giấy tờ, tài liệu đã giữ của người lao động. Cung cấp các bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Trên đây là bài viết về vấn đề Mức bồi thường của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Nếu còn thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!