Mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Coi chừng bị xử lý hình sự!

Bán lại, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị phạt rất nặng, thậm chí còn bị xử lý hình sự. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu về vấn đề này!

1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất, dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội.

2. Mua bán sổ BHXH là trái luật, tại sao vẫn tồn tại?

2.1 Tại sao mua bán sổ BHXH là trái luật?

Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, sổ bảo hiểm xã hội là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Sổ bảo hiểm xã hội không phải một loại tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, giao dịch dân sự liên quan đến việc mua bán, cầm cố loại giấy tờ này là không hợp pháp.

2.2 Tại sao mua bán sổ BHXH vẫn tồn tại?

Trong thực tế bên mua và bán sẽ không trực tiếp xác lập giao dịch mua bán hay cầm cố sổ BHXH mà thường lập hợp đồng ủy quyền rút BHXH. Cụ thể, người sở hữu sổ BHXH sẽ lập văn bản ủy quyền cho người khác làm thủ tục hưởng BHXH một lần, coi như đã bán cho người kia và nhận về một khoản tiền nhất định. Đây được xem như hành vi lách luật nhằm hợp thức hóa việc mua bán, trao đổi XBHXH. Chính vì thế, rất khó để cơ quan BHXH có thể phân biệt được trường hợp nào là ủy quyền thật và trường hợp nào là ủy quyền trá hình.

Do đó, việc mua bán sổ BHXH vẫn tồn tại mà không bị xử lý vi phạm.
Ngoài ra, do việc bán sổ bảo hiểm xã hội này giúp người bán nhận được tiền nhanh khi cần gấp, có thể lấy tiền trước thời hạn rút bảo hiểm xã hội một lần  và thủ tục đơn giản.
Người mua sổ bảo hiểm xã hội cũng sẽ lấy được số tiền bảo hiểm xã hội nhiều hơn số tiền bỏ ra để mua lại bảo hiểm xã hội đó.

3. Rủi ro khi mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Bất kì hình thức vi phạm nào đều chứa đựng những rủi ro bởi không được sự bảo hộ của pháp luật. Việc mua bán sổ BHXH cũng vậy nhiều rủi ro có thể đến với cả người mua và người bán sổ BHXH.

* Đối với người bán sổ BHXH:

Số tiền có được do bán sổ BHXH sẽ ít hơn so với tiền BHXH 1 lần mà người đó đi rút khi đủ điều kiện. Điều này khiến quyền lợi của người bán sổ BHXH bị ảnh hưởng.

* Đối với người mua sổ BHXH:

– Bị người bán rút BHXH 1 lần trước.

Người mua sổ bảo hiểm thường nhận sổ BHXH và kèm theo văn bản ủy quyền. Tuy nhiên do sổ BHXH có thể được cấp lại trong trường hợp bị mất nên sẽ xảy ra trường hợp người lao động sau khi bán sổ BHXH và nhận tiền thì lại đến cơ quan BHXH báo mất và xin cấp lại sổ.

Và như vậy, nếu người bán tiến hành rút BHXH trước thì người mua sẽ không được lĩnh nữa.

– Người bán qua đời trước thời điểm được rút BHXH 01 lần.

Nếu người bán sổ BHXH qua đời trước khi người mua làm thủ tục rút BHXH 1 lần thì cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ tử tuất cho thân nhân của người bán sổ BHXH, chứ không chi trả BHXH 01 lần theo giấy tờ ủy quyền mà trước đó người mua và người bán đã ký.

Theo đó, người mua sẽ mất trắng tiền BHXH 01 lần mà mình đã bỏ ra để mua lại sổ BHXH.


4. Mua bán sổ BHXH để trục lợi, có thể bị đi tù!

Trường hợp bị cơ quan BHXH phát hiện có dấu hiệu trục lợi thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

4.1 Phạt vi phạm hành chính:

Người lao động thực hiện hành vi nói trên sẽ bị coi là kê khai hồ sơ không đúng sự thật. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 01 – 2 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

4.2 Xử lý hình sự:

Các cá nhân thực hiện việc mua bán sổ BHXH còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 214. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Theo đó, nếu có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH hoặc dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH mà chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 – dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 – dưới 200 triệu đồng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 02 năm.

Ngoài ra còn có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu chiếm đoạt tiền BHXH từ 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

Luật Vitam đã cung cấp cho các bạn những thông tin pháp lý về việc mua bán sổ BHXH. Đây là hành vi trái pháp luật nên dù khó khăn, người lao động cũng không nên bán sổ BHXH tránh sa chân vào vòng lao lý!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *