Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích giúp bảo vệ con người trước những rủi ro hoặc giảm áp lực cho gia đình, xã hội khi về già. Tuy nhiên, rủi ro là những thứ chúng ta không thể lường trước được. Bởi vậy, có một vấn đề đặt ra đối với người mới tham gia bảo hiểm xã hội, đó là: Liệu mới đóng BHXH mà bị tai nạn lao động thì có được hưởng trợ cấp hay không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Vitam để được giải đáp nhé!
Mục lục
1. Đối tượng nào được hưởng trợ cấp tai nạn lao động?
Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất có quy định cụ thể, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động là người:
– Làm việc theo hợp đồng có thời hạn/không có thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
– Làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang học hưởng sinh hoạt phí;
– Quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, nếu người lao động nào thuộc các đối tượng nêu trên khi bị tai nạn lao động đều có thể được hưởng trợ cấp. Đây được coi là một trong các khoản hỗ trợ chính giúp người lao động có thêm thu nhập để chi trả chi phí điều trị. Từ đó giúp giảm bớt gánh nặng lên kinh tế của gia đình.
2. Người lao động có được trợ cấp tai nạn lao động khi mới đóng BHXH?
Theo Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp không may xảy ra tai nạn lao động, người lao động phải đáp ứng được điều kiện:
– Bị tai nạn:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
+ Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Như vậy, có thể khẳng định rằng nếu đáp ứng các điều kiện về tai nạn lao động nêu trên thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định. Dù mới đi làm, mới tham gia BHXH thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp tai nạn lao động như những người làm việc lâu năm. Bởi lẽ pháp luật không đặt ra điều kiện phải đóng BHXH bao lâu mới được hưởng.
3. Thủ tục hưởng trợ cấp tai nạn lao động
Sau khi đã đáp ứng các điều kiện được hưởng, người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ để làm thủ tục nhận trợ cấp. Thủ tục này được quy định tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Theo đó, người lao động cần chuẩn bị:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án (trường hợp điều trị nội trú);
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
– Giấy đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động (theo mẫu).
Sau khi có đủ giấy tờ, người lao động nộp cho người sử dụng lao động để gửi tới cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho mình.
Thời điểm hưởng trợ cấp được quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Điều 48. Thời điểm hưởng trợ cấp
1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các Điều 46, 47 và 50 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.
2. Trường hợp thương tật hoặc bệnh tật tái phát, người lao động được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Kết luận
Như vậy, để được nhận trợ cấp tai nạn lao động từ BHXH không phụ thuộc vào thời gian đóng BHXH của người lao động. Đây là những quy định thể hiện sự quan tâm, ưu tiên tới người lao động mà mọi người lao động cần nắm được. Hi vọng những giải đáp của Luật Vitam sẽ giúp người lao động chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ lao động.