Mẫu văn bản thông báo cắt giảm nhân sự năm 2021

Cắt giảm nhân sự trong tình hình dịch bệnh Covid 19 là điều thường gặp trong lao động hiện nay. Cùng với những mối nguy về sức khỏe; Covid 19 cũng khiến các doanh nghiệp đứng trước những thách thức; những quyết định có thể gọi là sống-còn của doanh nghiệp. Lựa chọn cắt giảm nhân sự là 1 trong những giả pháp mà họ lựa chọn.

Vậy quy định pháp luật về cắt giảm nhân sự trong trường hợp dịch bệnh như thế nào? Và làm sao để đúng luật? Bài viết dưới đây Luật Vitam sẽ làm rõ những điều đó.

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật lao động năm 2019

2. Cắt giảm nhân sự do dịch bệnh Covid 19 là gì?

Dịch bệnh Covid 19 là dịch bệnh nguy hiểm. Tại Quyết định 219/QĐ-BYT Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Chính phủ cũng đã công bố đây là tình trạng y tế quốc gia tại Quyết định 173/QĐ-TTg.

Cắt giảm nhân sự hay gọi cách khác đó chính là người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động; có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.”

Theo đó, khi đại dịch covid 19 xảy ra và vẫn còn đang tiếp diễn phức tạp mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục; nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất; giảm chỗ làm việc thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động.

3. Thủ tục khi cho lao động nghỉ việc vì dịch bệnh covid 19

Khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thời gian báo trước cho người lao động như sau:

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;”

Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động; người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng.

Bên cạnh đó người sử dụng lao động cũng cần lưu ý những trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.

Quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động năm 2019 để tránh hành vi khiếu nại từ phía người lao động.

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, trong trường hợp không thể không chấm dứt hợp đồng lao động với những trường hợp trên; người sử dụng lao động cần tiến hành thương lượng với người lao động để có được sự đồng thuận từ họ.

4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi cho người lao động nghỉ việc vì dịch bệnh Covid 19

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do dịch bệnh; người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên; mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương; trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

Cùng với đócăn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc có thể kéo dài; nhưng không quá 30 ngày làm việc; kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.

Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

5. Mẫu văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————————-

THÔNG BÁO

(V/v chấm dứt hợp đồng lao động)

Kính gửi: Ông/Bà…………………………………………..

Căn cứ Bộ luật lao động năm 2019;

Căn cứ Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động năm 2019;

Căn cứ Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra;

Căn cứ Biên bản cuộc họp:……………ngày……/……./……..về việc thông báo cho người lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng;

Căn cứ Hợp đồng lao động số:…………… ngày …… tháng .….. năm…. (sau đây gọi là “Hợp đồng”) giữa Công ty ………………………..(sau đây gọi là “Công ty”) với ông/bà …………………(sau đây gọi là “Người lao động”);

Dịch bệnh viêm phổi do virut Covid -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của công ty; dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng Công ty buộc phải thu hẹp việc sản xuất. Do đó, Công ty xin thông báo nội dung như sau:

1. Chấm dứt hợp đồng với ông/bà:……………………………………………

Chức vụ/Vị trí việc làm: …………………………………………………………….

2. Thời gian: Kể từ ngày ..…/……/……

3. Lý do về việc chấm dứt hợp đồng: Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi do virut Covid-19 gây ra.công ty buộc phải thu hẹp kinh doanh; sản xuất dù đã cố gắng tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không hiệu quả.

4. Trước khi chấm dứt hợp đồng, người lao động có nghĩa vụ bàn giao lại toàn bộ tài sản, các loại hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công việc tại công ty.

5. Trong thời hạn 07 ngày đến tối đa 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; Công ty sẽ thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến người lao động mà công ty chưa thanh toán. Đồng thời, xác nhận và trả lại sổ Bảo hiểm xã hội cùng các loại giấy tờ khác đã giữ của người lao động.

Trên đây là thông báo của công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông/bà: …….…………… Đề nghị người lao động thực hiện theo đúng pháp luật và sự hướng dẫn của công ty trong thời gian chuyển tiếp.

Trân trọng!

Nơi nhận:

– Ông/bà: …………(thực hiện);

– Phòng: …………(thực hiện);

– Lưu: VT.

Giám đốc

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *