Tiền lương là một trong những vấn đề luôn được mọi người quan tâm. Đặc biệt là lương ngừng việc cho người lao động liên quan đến đại dịch Covid-19 được căn cứ vào khoản 3 điều 99 của BLLĐ. Vậy sẽ có những trường hợp nào thì người lao động ngừng việc được trả lương? Và các quy định cụ thể của pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Vitam sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này. Cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Người lao động được trả lương ngừng việc khi nào?
Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019).
“Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc….”
Người lao động được trả lương ngừng việc khi lý do ngừng việc thuộc về lỗi của người sử dụng lao động; hoặc ngừng việc vì những lí do khác như thiên tai; dịch bệnh…
2. Tiền lương ngừng việc được tính ra sao?
a. Trường hợp ngừng việc do lỗi của NSDLĐ
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 99 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:
“Điều 58. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.”
Căn cứ những quy định trên, nếu người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì thời gian ngừng việc đó vẫn sẽ được tính thời gian làm việc hưởng lương. Người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động. Và trả tương ứng với số ngày ngừng việc trong thời gian ngừng việc.
b. Trường hợp ngừng việc do lỗi của người lao động
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 99 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động ngừng việc do lỗi của chính họ thì sẽ không được trả lương; còn những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì sẽ được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận, tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, nếu trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của mình thì họ sẽ không được trả lương.
c. Trường hợp ngừng việc vì những lí do khác (thiên tai; dịch bệnh…)
Tại Khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019 có quy định về vấn đề này.
“3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc …”
Mức lương ngừng việc cụ thể như sau:
– Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương người lao động ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
– Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên nhưng sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Cũng theo Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ Lao động Thương binh và xã hội có quy định. Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:
– Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
– Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp; bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly; hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc được thực hiện theo Khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2019 (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu).
– Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
3. Cách thức xử lý khi doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho NLĐ
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho người lao động của mình. Trường hợp vì lý do bất khả kháng thì có thể được quyền trả lương chậm nhưng không được quá 30 ngày.
Trường hợp doanh nghiệp không chi trả lương cho người lao động thì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình người lao động có thể:
– Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương
– Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
– Cách 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
– Cách 4: Khởi kiện tại Tòa án
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh covid 19 hiện nay, các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, chưa kip phục hồi kinh tế nên tại Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL có tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn.
– Nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho người lao động thì có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động; hoặc cho người lao động nghỉ việc không lương.
– Trường hợp người lao động không đồng ý thì người sử dụng lao động có quyền thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 và Điều 42 BLLĐ năm 2019.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Vitam. Mọi thắc mắc hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Bạn sẽ được tư vấn nhanh nhất và chính xác nhất. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo!