Mỗi người lao động hằng năm đều có ngày nghỉ phép khi tham gia quan hệ lao động. Đây là quyền lợi chính đáng mà mỗi người lao động được hưởng. Vậy lịch nghỉ phép này được quy định như thế nào theo luật? Ai được quyết định số ngày nghỉ này? Hãy cùng Luật Vitam đi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Mục lục
1. Số ngày nghỉ phép năm cho mỗi người lao động
Số ngày nghỉ phép hằng năm của người lao động được quy định tại Điều 113 Bộ Luật lao động năm 2019. Theo đó:
“Điều 113. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.”
Dựa vào quy định trên, tùy thuộc vào tính chất của công việc mà số ngày nghỉ phép năm của người lao động dao động từ 12 – 16 ngày làm việc. trong trường hợp chưa đủ năm thì sẽ chia tỷ lệ số ngày phép và tính theo số tháng làm việc.
Bên cạnh đó, theo Điều 114 Bộ luật này, nếu làm việc đủ 05 năm cho một người sử dụng, người lao động còn được tăng thêm 01 ngày phép/năm.
2. Lịch nghỉ phép năm do công ty hay người lao động tự quyết định?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 về lịch nghỉ hằng năm. Theo đó:
“4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.”
Theo quy định trên thì lịch lịch nghỉ phép năm sẽ do người sử dụng lao động quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa, thống nhất thì trước khi ban hành lịch nghỉ, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Từ đó giúp người lao động được bày tỏ nguyện vọng của mình. Đó cũng sẽ là căn cứ để người sử dụng lao động đưa ra quyết định chính thức.
3. Không cho người lao động nghỉ phép năm, công ty bị phạt thế nào?
Người sử dụng lao động chỉ được phép quyết định ngày nghỉ phép của người lao động chứ không được phép cắt giảm hay không cho người lao động nghỉ phép. Bởi nghỉ phép là quyền lợi của người lao động, được quy định tại Bộ luật lao động 2019.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu không để người lao động nghỉ phép theo quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.”
Như vậy, nếu không cho người lao động nghỉ phép theo quy định, người sử dụng lao động có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, xét về phía người lao động, nếu người lao động tự ý nghỉ phép năm không theo lịch đã quy định thì sẽ bị coi là tự ý bỏ việc. Theo đó, người này sẽ bị xử phạt lý kỷ luật lao động. Hình thức kỉ luật sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm của người lao động. Theo Khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động, người lao động còn bị xử lý sa thải nếu tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Đây chính là hình thức kỉ luật nặng nhất với người lao động vi phạm nêu trên.
Một quy định nữa tại theo Điểm e Khoản 1 và Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động còn có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không được báo trước nếu nghỉ không phép từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng.
Kết luận
Từ những chia sẻ của Luật Vitam có thể thấy, nghỉ phép năm là quyền lợi của người lao động nhưng lịch nghỉ là do người sử dụng lao động quyết định. Người sử dụng lao động cần tuân thủ đúng pháp luật về thời gian cho người lao động nghỉ phép năm. Bên cạnh đó người lao động cần tuân thủ các quy định này, tránh nghỉ việc tự do dẫn đến bị kì luật. Hơn nữa, nắm được các quy định này để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân khi tham gia quan hệ lao động.