Lao động tự do có được hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19?

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, có rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong đó có lao động tự do. Vậy đối tượng lao động tự do có được hỗ trợ khó khăn do covid 19 hay không, hãy cùng Luật Vitam theo dõi bài viết dưới đây:

 

1. Xác định đúng đối tượng lao động tự do cần hỗ trợ

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Điểm 12 Mục II theo đó:

“Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.”

Như vậy có thể thấy người lao động tự do vẫn được hỗ trợ do khó khăn của dịch covid19.

Trường hợp người lao động có giao kết hợp đồng lao động:

Người lao động đối chiếu các trường hợp được hỗ trợ được quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ thì thông báo đến người sử dụng lao động hoặc tự mình tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ.

2. Mức hỗ trợ cho lao động tự do là bao nhiêu?

Theo quy định tại Mục II, Điểm 12, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ cho phép các địa phương tự quy định mức hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Số tiền hỗ trợ này sẽ căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Hiện tại mức hỗ trợ tại một số tỉnh TP như sau:

  • Tại TP. Hồ Chí Minh mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương (áp dụng từ ngày 27/3/2020 đến 31/12/2021)

  • Tại Hà Nội, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021.

  • Tại Đồng Nai, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người đối với người lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên (chỉ hỗ trợ 01 lần/người) theo Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021.

  • Tại Vĩnh Long, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

3. Thủ tục để nhận được hỗ trợ là gì?

Người lao động sẽ được thông báo thủ tục để nhận hỗ trợ thông qua bảng tin địa phương, loa đài, các kênh thông tin điện tử của địa phương… Quy trình và trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ sẽ do từng địa phương thực hiên.

Trên đây là những tư vấn của luật sư cho vấn đề đưa ra. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến nội dung này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp lý mới nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *