Lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ được nhận thêm lương

Lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ được nhận thêm lương

Đi làm ngày đèn đỏ, lao động nữ sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định. Trong số đó có việc được nhận thêm lương. Luật Vitam sẽ giải đáp cụ thể lĩnh vực này qua tình huống sau:

Câu hỏi của khách hàng:

Chào Luật VItam! Nhờ Luật Vitam tư vấn giúp tôi về các quyền lợi mà NLĐ nữ được hưởng khi đi làm ngày đèn đỏ. Rất mong nhận được phản hồi từ phía Luật Vitam! Tôi xin chân thành cảm ơn.

Câu trả lời của Luật Vitam:

Luật Vitam cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ như sau:

Căn cứ pháp lý: 

  • Bộ luật lao động năm 2012
  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 85/2015/NĐ-CP
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP

1. Hiểu thể nào về việc lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ.

Lao động nữ là một dạng lao động đặc thù theo quy định của pháp luật xuất phát từ những đặc điểm sinh học riêng biệt kèm theo đó là những chu kỳ sinh lý riêng mà chỉ có ở lao động nữ. Lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động ngoài việc có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người lao động còn được pháp luật dành cho những ưu đãi nhất định do tính chất đặc thù của đối tượng lao động này.

Thông thường mỗi tháng mỗi NLĐ nữ sẽ có vài ngày cơ thể cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe không ổn định gọi là ngày đèn đỏ. Xuất phát từ đặc điểm này, pháp luật lao động cũng có những quy định đặc thù nhằm tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần dành cho lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ..

2. Quyền lợi của lao động nữ khi đi làm ngày đèn đỏ.

Ngày đèn đỏ có thể coi là khoảng thời gian mệt mỏi nhất trong tháng đối với mỗi NLĐ nữ. Do đó, pháp luật lao động đã có những chính sách riêng về điều chỉnh thời gian làm việc, môi trường làm việc nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi tối đa đối với đối tượng lao động này.

2.1. Chính sách dành cho lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ.

Theo BLLĐ 2012: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7 NĐ 85/2015 về chính sách đối với NLĐ nữ. Theo quy định tại Điều luật này, NLĐ nữ đi làm ngày đèn đỏ được hưởng những quyền lợi sau:

  • Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
  • Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
  • Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Như vậy, NLĐ nữ đi làm ngày đèn đỏ sẽ được nghỉ 30 phút/ngày, ít nhất là 3 ngày/ tháng. Trong thời gian nghỉ này vẫn được hưởng đủ tiền lương theo như hợp đồng lao động đã ký.

2.2. Từ ngày 01/02/2021, lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ có thể được nhận thêm lương.

Bộ luật lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Theo đó, lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng lương theo hợp đồng lao động đã ký.

Tuy nhiên, điều luật này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 80 NĐ 145/2020 Nghị định hướng dẫn BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã có sự điều chỉnh so với quy định tại NĐ 85/2015 hướng dẫn BLLĐ 2012. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 80 của nghị định này quy định như sau:

Điều 80. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

[…]

3. Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút  tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

[…]
di-lam-ngay-den-do

Như vậy, bắt đầu từ ngày 01/02/2021 NLĐ nữ đi làm ngày đèn đỏ vẫn sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, ít nhất là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ sẽ do hai bên thỏa thuận dựa trên điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Thời gian nghỉ này lao động nữ vẫn sẽ được hưởng lương theo hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế có những lao động nữ không có nhu cầu nghỉ trong thời gian hành kinh này mà muốn được làm việc bình thường. Để khắc phục tình trạng này, kể từ ngày 01/02/2021 pháp luật có quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý với việc được lao động như bình thường thì người lao động sẽ được trả thêm lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. Và thời gian làm việc này được tính như thời gian làm việc bình thường, không được tính vào thời gian làm thêm.

Trong trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ, muốn được làm việc nhưng người sử dụng lao động không đồng ý mà vẫn cố làm việc thì người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả thêm tiền cho người lao động.

Trên đây là tư vấn về việc lao động nữ đi làm ngày đèn đỏ từ ngày 01/02/2021 được nhận thêm lương. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật VItam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *