Làm việc riêng trong giờ có bị sa thải?

Làm việc riêng trong giờ là hành vi có thể dễ bắt gặp ở người lao động. Người lao động sử dụng thời gian làm việc để thực hiện các công việc cá nhân làm giảm khả năng tập trung vào các công việc hoặc dự án đang làm, làm giảm năng suất lao động, đồng thời có thể làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp xung quanh. Vậy với hành vi phổ biến này thì người lao động có bị sa thải nếu vi phạm? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Vitam để tìm ra câu trả lời nhé!

1. Sa thải là gì?

Sa thải là hình thức kỉ luật lao động dẫn đến quan hệ lao động của người lao động bị chấm dứt, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức kỉ luật này khi người lao động có hành vi vi phạm kỉ luật lao động, có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp, người lao động bị xử lí kỉ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm việc khác mà tái phạm hoặc bị xử lí kỉ luật cách chức mà tái phạm; tự ý bỏ việc năm ngày dồn trong một tháng hoặc 20 ngày dồn trong một năm mà không có lí do chính đáng.

Hậu quả của việc sa thải là người lao động bị mất việc làm và có thể bị tước một số quyền lợi.

2. Trường hợp làm việc riêng trong giờ có bị sa thải?Làm việc riêng trong giờ có bị sa thải?

Sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất trong hoạt động lao động. Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 về các trường hợp được áp dụng hình thức sa thải. Theo đó, các trường hợp cụ thể sẽ bị sa thải nếu vi phạm:

– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc.

– Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.

– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn. Áp dụng trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Căn cứ theo quy định trên, hành vi làm việc riêng trong giờ sẽ không bị áp dụng hình thức sa thải. Tuy nhiên, nếu làm việc riêng là đánh bạc, sử dụng ma túy sẽ là cơ sở người sử dụng lao động sa thải.

3. Người sử dụng lao động nên làm gì để xử lý nhân viên làm việc riêng trong giờ?

Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 thì hình thức sa thải không áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, với hành vi làm việc riêng trong giờ có thể áp dụng các hình thức kỉ luật lao động khác.

Theo quy định Khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, trong đó quy định các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động và hình thức xử lý kỷ luật. Ngoài ra, điểm b Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định một trong các nghĩa vụ của người lao động là chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động.

Để hạn ngăn chặn hành vi này, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, nên sử dụng các biện pháp khác nhau. Các biện pháp xử lý kỷ luật có thể áp dụng là:

– Khiển trách

– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

– Cách chức

Kết luận

Như vậy, có thể thấy hành vi làm việc riêng trong giờ của người lao động sẽ không bị sa thải. Tuy nhiên, người lao động sẽ phải chịu các hình thức kỉ luật khác. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao động trong hoạt động kinh doanh. Hi vọng, những kiến thức mà Luật Vitam cung cấp sẽ giúp ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *