Hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian dịch bệnh covid

Trả lương cho người lao động trong thời gian dịch bệnh là vấn đề rất được quan tâm. Lí do là bởi vì nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kéo theo đó là lao động phải ngừng việc. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Vitam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

1. Các quy định của pháp luật về tiền lương

 

Trong quá trình lao động, tiền lương là vấn đề được người lao động quan tâm nhất. Tiền lương là khoản tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc.

Người sử dụng lao động phải trả lương bình đẳng, không được phân biệt người lao động trong công việc.

Tiền lương được trả căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc, bao gồm:

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh: không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
  • Phụ cấp lương.
  • Các khoản bổ sung khác.

Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất. Việc trả mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu và là lao động bình thường. Nhu cầu sống tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

Người lao động được trả lương theo nguyên tắc trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

2. Người lao động phải cách ly có được hưởng lương

Hiện nay, một số khu công nghiệp do trở thành ổ dịch đã phải tạm thời ngừng hoạt động. Vì vậy, việc người lao động phải cách ly có được hưởng lương không cũng đang rất được quan tâm. Bài viết này chúng tôi sẽ lý giải cụ thể hơn tới các bạn.

Theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động 2012 quy định nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, hay ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người lao động vẫn được hưởng lương.

Trường hợp người lao động phải đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này, người lao động vẫn được hưởng lương theo Điều 98 Bộ luật lao động 2012.

Khoản tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện tại, mức lương tối thiểu năm 2020 của người lao động được áp dụng từ 1.1.2020 theo 4 vùng:

  • Vùng 1 là 4,42 triệu/tháng;
  • Vùng 2 là 3,92 triệu/tháng;
  • Vùng 3 là 3,43 triệu;
  • Vùng 4 là 3,07 triệu đồng.

3. Hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian dịch bệnh covid

Ngày 25/3/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động liên quan đến dịch Covid-19.

Người lao động phải ngừng việc trực tiếp theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động, bao gồm:

  • Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận đang trong thời gian cách ly hoặc chưa được quay trở lại làm việc.

Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường không bố trí đủ việc làm. Trường hợp này doanh nghiệp cần thực hiện theo Điều 31 của Bộ luật Lao động.

Khi phải kéo dài thời gian ngừng việc làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trường hợp này doanh nghiệp cần thực hiện theo Điều 32 Bộ luật Lao động.

Nếu phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc cần áp dụng theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động. Nếu nảy sinh các trường hợp khác thì xử lí theo quy định.

Trên đây là bài viết hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Hi vọng Luật Vitam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này thông qua bài viết trên. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *