Hướng dẫn thủ tục đăng ký nội quy lao động mới nhất

Hướng dẫn thủ tục đăng ký nội quy lao động mới nhất

Thủ tục đăng ký nội quy lao động là bước đầu để nội quy lao động có hiệu lực. Hầu hết doanh nghiệp đều phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài viết dưới đây của Luật Vitam sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký nội quy lao động giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục này.

1. Doanh nghiệp nào bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động?

– Căn cứ pháp luật: 1 Điều 118 BLLĐ năm 2019

Mọi người sử dụng lao động đều phải ban hành nội quy lao động. Trường hợp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 119 Bộ luật này cũng chỉ rõ:

“Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.”

Như vậy, các doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp không đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

dang-ky-noi-quy-lao-dong

2. Hướng dẫn thủ tục đăng ký nội quy lao động mới nhất

Căn cứ pháp luật:

– Căn cứ Điều 119, Điều 120 BLLĐ năm 2019

– Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

– Quyết định số 338/QĐ-LĐTBXH

a. Về hồ sơ đăng ký nội quy lao động:

Người sử dụng lao động động phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:

– Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;

– Nội quy lao động;

– Văn bản góp ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

– Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

b. Nơi nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động:

Nộp tại một trong các cơ quan sau:

– Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện (được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh ủy quyền): Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c. Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động

– Thời hạn: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động.

– Cách thức nộp:

+ Cách 1: Nộp hồ sơ qua cổng thông tin Dịch vụ công trực tuyến cơ quan chuyên môn về lao động;

+ Cách 2: Nộp hồ sơ trực tiếp;

+ Cách 3: Nộp hồ sơ qua đường bưu điện.

Bước 2: Cơ quan chuyên môn về lao động xem xét, tiếp nhận hồ sơ

– Thời hạn: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

– Nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo và hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung, đăng ký lại nội quy lao động.

Lưu ý: Người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì phải gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

d. Hiệu lực của nội quy lao động:

– Nội quy lao động phải đăng ký: Có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (được ủy quyền) nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động.

– Nội quy lao động không phải đăng ký (trường hợp sử dụng dưới 10 người lao động): Hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

noi-quy-cong-ty

3. Sửa đổi nội quy lao động có phải đăng ký lại?

– Căn cứ pháp luật: khoản 3 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ năm 2019

– Cụ thể: Khi sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ngoài ra, Nghị định này và BLLĐ năm 2019 không có quy định nào đề cập đến việc phải đăng ký lại nội quy lao động khi sửa đổi. Do đó, người sử dụng lao động không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký lại nội quy lao động khi sửa đổi, bổ sung.

Luật Vitam hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc đưa ra. Nếu có thắc mắc nào, hãy liên lạc ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *