Mục lục
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất
Tính thuế thu nhập cá nhân là một trong những nội dung quan trọng với cả người lao động và doanh nghiệp. Hãy cùng Luật Vitam tìm hiểu lĩnh vực này qua bài viết sau:
1. Cách tính thuế thu nhập cho người nước ngoài
Tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài phụ thuộc vào việc họ có phải là cá nhân cư trú hay không phải là cá nhân cư trú. Đối với mỗi trường hợp sẽ có cách tính thuế khác nhau, cụ thể:
1.1. Người nước ngoài là cá nhân cư trú
a.Thế nào là cá nhân cư trú?
– Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC,
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Điều kiện 1:
Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là 01 ngày.
– Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam.
– Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
– Cá nhân có mặt tại Việt Nam là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều kiện 2:
Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú
– Đối với công dân Việt Nam: Nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
– Đối với người nước ngoài: Nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
Trường hợp 2: Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế
b. Cách tính thuế khi là cá nhân cư trú
Áp dụng theo phương pháp lũy tiến từng phần. Thuế được tính theo từng bậc thuế. Thu nhập càng cao thì số thuế phải nộp càng cao.
1.2. Người nước ngoài không phải là cá nhân cư trú
a. Thế nào là cá nhân không cư trú
Cá nhân không cư trú là cá nhân không đáp ứng các điều kiện của cá nhân cư trú nói trên.
b. Cách tính thuế đối với cá nhân không cư trú
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN được xác định theo công thức sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%
Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
Trong đó, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Cụ thể:
– Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
– Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
Lưu ý: Sẽ khấu trừ 20% thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài là cá nhân không cư trú.
2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người Việt Nam
2.1. Khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả
Điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư số111/2013/TT-BTC quy định:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”
Theo đó, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động có thu nhập từ tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên sẽ bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân, trừ trường hợp đủ điều kiện và làm bản cam kết.
Lưu ý:
Tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác ở đây là:
– Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
2.2. Tính thuế theo phương pháp lũy tiến từng phần
NLĐ ký HĐLĐ trên 03 tháng sẽ tính thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp lũy tiến từng phần gồm 07 bậc thuế khác nhau. Thu nhập càng cao thì số thuế nộp càng nhiều.
Trên đây là hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài và người Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật Vitam để được hỗ trợ. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!