Mục lục
Hợp đồng lao động có được gia hạn không?
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là gì? Khi nào cần gia hạn hợp đồng lao động? Khi kết thúc HĐLĐ mà người lao động muốn tiếp tục làm việc thì cần thực hiện gia hạn hợp đồng như thế nào? Và gia hạn cần tuân thủ những quy định nào? Luật Vitam sẽ giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
1. Hợp đồng lao động là gì?
Theo Điều 13 Bộ Luật Lao động 2019 về HĐLĐ:
– Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền. Và bao gồm cả nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
– Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Các loại hình HĐLĐ cần biết
Theo Điều 20 Bộ Luật Lao động 2019 thì có 2 loại hình HĐLĐ sau đây:
a. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đây là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b. Hợp đồng lao động xác định thời hạn. Đây là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên thời gian sễ không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
3. Các quy định khi muốn gia hạn HĐLĐ
Khi gia hạn HĐLĐ cần tuân thủ những quy định sau. Người lao động cần nắm rõ để không bị mất quyền lợi. Người sử dụng lao động cũng cần nắm rõ để không vi phạm quy định. Các quy định cụ thể như sau:
a. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b. Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần. Sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
4. Một số lưu ý
– Không được giao kết hợp đồng lao động thời vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời gian không quá 36 tháng. Khi hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn thì chủ sử dụng lao động cũng chỉ được ký kết thêm một lần nữa hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Như vậy chỉ được phép ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn với người lao động tối đa 02 lần. Nếu sau khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày phải ký hợp đồng lao động mới. Sau 30 ngày, chủ sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động mới mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì hợp đồng lao động xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
5. Kết luận
Như vậy câu trả lời là “Có thể gia hạn HĐLĐ”. Tuy nhiên việc gia hạn hợp đồng sẽ phải tuân thủ một số quy định cụ thể. Quy trình gia hạn hợp đồng sẽ được chúng ta trình bày trong bài viết tiếp theo. Các bạn hãy đón đọc nhé. Chúng tôi mong rằng bài viết trên đã giúp bạn có thêm kiến thức về HĐLĐ. Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc.