Mục lục
Hiệu lực của quyết định kỷ luật và khiếu nại kỷ luật đối với công chức
Hiệu lực của quyết định kỷ luật được áp dụng từ thời gian nào? Công chức có thể khiếu nại kỉ luật hay không? Là một trong rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi nhận được. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi đưa ra những căn cứ để dựa vào đó bạn sẽ biết mình cần làm gì khi bị xử lý kỉ luật hoặc bạn cần lưu ý gì trong quá trình giải quyết kỉ luật lao động.
Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
1. Cơ sở pháp lý:
a. Luật cán bộ công chức 2008;
b. Luật khiếu nại 2011;
c. Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
2. Trình tự xử lý kỉ luật đối với công chức
– Căn cứ pháp lý: Chương 4 Nghị định 34/2011/NĐ-CP
– Cụ thể:
Những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức như sau:
Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật
Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật.
Bước 2: Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.
Lưu ý: Nguyên tắc làm việc của hội đồng kỷ luật như sau:
Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín;
Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.
Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bước 3. Quyết định kỷ luật
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm pháp luật;
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP Công chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
3. Hiệu lực của quyết định kỷ luật và khiếu nại kỷ luật
Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định:
“2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.”
Do vậy, hiệu lực thi hành của quyết định kỷ luật sẽ được ghi rõ trong quyết định kỷ luật. Trường hợp trong quyết định ghi thời điểm có hiệu lực của quyết định là ngày ký thì có thể hiểu quyết định có hiệu lực ngay từ thời điểm ký. (không chờ việc giải quyết đơn khiếu nại nếu có đơn khiếu nại)
Nếu cán bộ bị xử lý kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật này, có thể khiếu nại quyết định kỷ luật theo quy định của Luật khiếu nại 2011.
Theo quy định tại Điều 48, Luật khiếu nại 2011 quy định:
Điều 48. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.
Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định kỷ luật công chức thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
4. Kết luận
Khi quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật công chức có hiệu lực pháp luật thì người đứng đầu cơ quan nơi công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai quyết định giải quyết đến toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đó; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. (nếu có)
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề hiệu lực của quyết định kỷ luật. Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin pháp luật mới nhất nhé!