Hệ số lương là hệ số thể hiện sự chênh lệch tiền lương giữa các mức lương theo ngạch, bậc lương (lương cơ bản) và mức lương tối thiểu. Hệ số lương và cách tính lương theo hệ số lương hiện tại như thế nào? Luật Vitam sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về hệ số lương tới bạn đọc. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Hệ số lương là gì?
Hệ số lương là hệ số thể hiện sự chênh lệch tiền lương giữa các mức lương theo ngạch, bậc lương (lương cơ bản) và mức lương tối thiểu. Hệ số lương được quy định và điều chỉnh theo từng thời kỳ nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế và sự phát triển của đất nước và được dùng làm căn cứ để tính mức lương cơ bản, phụ cấp và các chế độ cho nhân viên trong các doanh nghiệp.
Hệ số lương là cơ sở để trả lương, tính chế độ bảo hiểm xã hội, tính tiền lương làm thêm giờ, ngừng việc, nghỉ phép… cho người lao động trong khu vực nhà nước.Ngoài ra, người sử dụng lao động ngoài nhà nước có thể dựa vào hệ số lương nhằm xây dựng, điều chỉnh hệ số lương phù hợp theo quy định của pháp luật, qua đó đảm bảo lợi ích cho người lao động.
2. Cách tính mức lương theo hệ số lương
Tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định từ ngày 01/7/2013, thì tất cả các doanh nghiệp (bao gồm nhà nước và ngoài nhà nước) sẽ áp dụng thống nhất quy định về thang lương, bảng lương. Cách tính mức lương theo hệ số lương được thực hiện theo công thức chung như sau:
Mức lương hiện hưởng = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng
Trong đó:
- Mức lương cơ sở được điều chỉnh theo các văn bản pháp luật hiện hành phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại thời điểm được quy định.
- Hệ số lương hiện hưởng được quy định theo Pháp luật ở từng nhóm cấp bậc sẽ khác nhau.
Mức lương hiện hưởng = 1.490.000 x Hệ số lương hiện hưởng
Trong đó: Mức lương cơ sở hiện nay là: 1.4900.000 VNĐ
Mức lương của người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các cơ quan cơ đã có sự thay đổi tích cực có chiều hướng tăng qua từng năm. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống của người lao động.
3. Các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh tiền lương
– Nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của các bên về tiền lương trong quan hệ lao động:
Theo nguyên tắc, tiền lương phải do chính các bên của quan hệ lao động quyết định căn cứ vào nơi làm việc, điều kiện lao động và sử dụng lao động, khả năng đảm bảo chi trả và mức chi trả bao nhiêu là thoả đáng với hao phí sức lao động của minh, sự phân chia lợi ích như thế nào là công bằng và phù hợp.
Người lao động và người sử dụng lao động được phép thỏa thuận về tiền lương. Sự thỏa thuận đó nằm trong khuôn khổ của pháp luật về tiền lương, đặc biệt về lương tối thiểu. Người lao động và người sử dụng lao động không được thoả thuận mức lương thấp hơn mức tối thiểu theo luật định.
– Nguyên tắc điều chỉnh tiền lương ở những giới hạn nhất định
Thứ nhất: Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu, quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019.
Thứ hai, pháp luật tôn trọng và ghi nhận mức lương tối thiểu thông qua thương lượng tập thể nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
– Nguyên tắc đảm bảo công bằng và không phân biệt đổi xử về tiền lương
Quan hệ lao động phải đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử trong quy định và thực hiện pháp luật về tiền lương. Theo đó tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất và chất lượng công việc. Tuy nhiên, việc trả lương bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của thị trường. Tuy nhiên, pháp luật cũng điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu theo vùng đảm bảo sự công bằng cho người lao động trên toàn quốc, khu vực khó khăn, vùng núi hoặc khu vực đồng bằng, thành thị.
Qua những chia sẻ của Luật Vitam về hệ số lương và cách tính mức lương theo hệ số hy vọng sẽ giúp bạn tự tính được mức lương cho mình và người thân. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!