Mục lục
Giám đốc có bắt buộc đăng ký bảo hiểm không?
Đăng ký bảo hiểm cho giám đốc doanh nghiệp có phải là việc làm bắt buộc không? Nếu đóng thì căn cứ mức lương nào? Nếu không được đóng bảo hiểm bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm tự nguyện được không? Thủ tục tham gia như thế nào? Luật sư sẽ giải đáp thắc mắc của bạn như sau. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây nhé!
1. Giám đốc doanh nghiệp tư nhân có phải đóng BHXH, BHYT không?
Theo quy định tại Điểm 1.5 Khoản 1 Điều 4 Mục 1 BHXH bắt buộc Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định về đối tượng tham gia BHXH:
“Điều 4. Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
… 1.5. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương“.
Ngoài ra, Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 17 Mục 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về đối tượng tham gia BHYT như sau:
“Điều 17. Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Nhóm do người lao động và đơn vị đóng, bao gồm:
1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4.“
Như vậy:
Căn cứ quy định trên, giám đốc doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật nếu giám đốc là người nhận tiền công, tiền lương từ việc quản lý điều hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu giám đốc không nhận tiền lương, tiền công từ phía doanh nghiệp mà thu nhập dựa vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ không phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Căn cứ đóng BHXH, BHYT cho giám đốc doanh nghiệp tư nhân
Điểm 2.6 Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;…
… 3. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở”.
Kết luận
Vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội của giám đốc doanh nghiệp được tính dựa theo mức lương doanh nghiệp quy định trong điều lệ hoặc thang bảng lương của doanh nghiệp đã có đăng kí với cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ Nghị định 90/2019/NĐ-CP để xác định mức lương thấp nhất làm căn cứ đóng bảo hiểm hiện nay cho bạn như sau:
– Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
– Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
– Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
– Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Còn theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức tiền lương tháng tối đa để đóng BHXH, BHYT hiện nay tương đương với 29.800.000 đồng.
3. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
… h. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương“.
… 4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 1 và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:
“Điều 1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức”.
“Điều 5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
1. Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này”.
Theo đó, nếu bạn là người quản lý doanh nghiệp nhưng không hưởng lương thì không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT bắt buộc và hoàn toàn có thể tham gia đóng BHXH, BHYT tự nguyện.
4. Thủ tục tham gia bảo hiểm tự nguyện
Căn cứ Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”
Theo đó, để có thể tham gia BHXH tự nguyện bạn cần nộp tới cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn đang có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú các giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu TK1-TS;
– Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân;
– Sổ hộ khẩu/giấy tờ tạm trú;
– Sổ BHXH (nếu có).
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề giám đốc doanh nghiệp có bắt buộc đăng ký bảo hiểm hay không. Hi vọng những thông này sẽ hữu ích cho bạn! Nếu có thắc mắc về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Luật Vitam rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc.