Mục lục
Doanh nghiệp có phải nộp thuế, BHXH khi tạm ngừng kinh doanh?
Tạm ngừng kinh doanh có thể xuất hiện trong nhiều giai đoạn khó khăn, làm ăn thua lỗ, không đủ chi phí trang trải. Tuy nhiên, khi tạm dừng hoạt động, nghĩa vụ về các khoản nợ của doanh nghiệp được xử lý thế nào? Doanh nghiệp có phải đóng thuế, Bảo hiểm xã hội không? Luật Vitam sẽ giải đáp lĩnh vực này như sau.
1. Khi nào doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động?
Theo Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo 02 hình thức:
a. Doanh nghiệp có nhu cầu tự tạm dừng hoạt động;
b. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
– Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
– Tạm ngừng theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động phải thanh toán đầy đủ thuế, Bảo hiểm xã hội
Khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp quy định:
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, BHXH, BHYT, BHTN còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động; trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp tại thời điểm tạm dừng hoạt động, nếu vẫn phát sinh các khoản nợ về thuế, BHXH…thì vẫn phải tiếp tục thanh toán, chỉ trừ trường hợp doanh nghiệp và các bên có thoả thuận khác.
Sau khi thanh toán xong, trong thời gian tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp không phải chịu các khoản về thuế, phí, BHXH.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng hoạt động chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế. Căn cứ theo Điều 14 Thông tư số 151/2014/TT-BTC.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ thông báo tạm dừng hoạt động với Phòng ĐKKD. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Phòng ĐKKD (không phải của doanh nghiệp).
3.Thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa là bao lâu?
a. Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP
b. Cụ thể:
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Như vậy, doanh nghiệp được tạm dừng hoạt động nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được tạm ngừng trong vòng 01 năm.
Lưu ý, nếu muốn tạm dừng hoạt động tiếp, doanh nghiệp phải gửi thông báo lên Phòng Đăng ký kinh doanh trong vòng 03 ngày trước ngày kết thúc thời gian tạm ngừng hoạt động.
Như vậy, khi tạm dừng hoạt động, nếu vẫn còn nợ thuế, Bảo hiểm xã hội…doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đầy đủ cho cơ quan nhà nước, người lao động và khách hàng.
Trên đây là giải đáp của luật sư về vấn đề đưa ra. Nếu còn vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật Vitam để được hỗ trợ. Chúng tôi rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Cùng theo dõi để cập nhật các thông tin pháp lý mới nhất nhé!