Nghị quyết 116 được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, nguồn tiền triển khai được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Vậy nên, câu hỏi được đặt ra là liệu đã nhận trợ cấp thất nghiệp thì có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 hay không? Xin mời quý vị và các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật Vitam để tìm ra câu trả lời nhé!
Mục lục
1. Ai được nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp?
Theo Nghị quyết 116, tại Mục 1a Phần II Nghị quyết này quy định cụ thể. Theo đó, sẽ có 2 nhóm đối tượng được hưởng tiền hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ, đó là:
Nhóm 1: Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021.
Lưu ý: Người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên không được nhận hỗ trợ.
Nhóm 2: Người lao động đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, những người lao động thuộc nhóm 2 này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời gian từ 01/01/2020 đến hết 30/9/2021.
– Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định.
– Người lao động không thuộc trường hợp đang hưởng lương hưu.
2. Đã nhận trợ cấp thất nghiệp có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116?
Theo Nghị quyết 116 quy định, việc xem xét tiền hưởng hỗ trợ sẽ dành cho các đối tượng người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu. Như vậy có nghĩa rằng người lao động còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa tính hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được nhận hỗ trợ.
Trợ cấp thất nghiệp được chi trả hằng tháng cho người lao động với thời gian hưởng được tính dựa trên tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quy định này căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định. Theo đó:
– Trường hợp người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng: Tính hưởng 03 tháng trợ cấp.
– Trường hợp người lao động đóng đủ thêm 12 tháng: Tính hưởng thêm 01 tháng trợ cấp.
– Thời gian hưởng tối đa theo quy định: 12 tháng.
Như vậy, trường hợp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ bị trừ tương ứng với mỗi tháng đã hưởng là 12 tháng đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đã từng hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu thời đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng hết trong các trường hợp sau:
– Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có tháng lẻ. Số tháng lẻ này của người lao động sẽ được bảo lưu để tính hưởng cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện.
– Người lao động không đến nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp. Thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu được xác định bằng tổng thời gian đã đóng bảo hiểm trừ đi thời gian đóng bảo hiểm đã hưởng trợ cấp. Thời gian này sẽ được cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo.
– Người lao động đang hưởng trợ cấp thì bị chấm dứt hưởng trợ cấp do:
+ Tìm được việc làm;
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tòa án tuyên bố mất tích;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, nếu người lao động thuộc trường hợp đã và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trước đây, nếu đảm bảo các điều kiện như chúng tôi nêu ở trên thì vẫn sẽ có thể được hưởng tiền trợ cấp theo Nghị quyết 116. Đây là những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống.
Kết luận
Trên đây là tư vấn của Luật Vitam về các đối tượng người lao động được nhận trợ cấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Nghị quyết 116 của Chính phủ. Người lao động cần nắm được các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Luật Vitam chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất từ Nghị quyết này tới quý vị và các bạn.