Công ty trả chậm lương cho người lao động xử lý thế nào?

Như chúng ta đã biết, người lao động khi tham gia quan hệ lao động sẽ được hưởng tiền lương theo quy định. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lương cho người lao động. Vậy nếu trong trường hợp công ty vì nhiều lý do khác nhau mà trả chậm tiền lương thì sẽ bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật Vitam đi tìm hiểu về các quy định liên quan đến tiền lương trong bài viết này.

1. Khái niệm về tiền lương

Hiện nay có rất nhiều khái niệm về tiền lương khác nhau, tuy nhiên Luật Vitam sẽ đưa ra một khái niệm mà chúng tôi thấy là phù hợp nhất. Cụ thể:

“Tiền lương là khoản thu nhập mang tính thường xuyên mà nhân viên được hưởng từ công việc”, “Tiền lương được hiểu là số lượng tiền tệ mà người sử dụng lao động trả cho người lao động khi họ hoàn thành công việc theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định hoặc hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động”.

2. Chức năng của tiền lương

Từ định nghĩa trên và dựa trên những gì diễn ra trên thực tế, chúng tôi đưa ra các chức năng cơ bản của tiền lương như sau:

– Thứ nhất, chức năng thước đo giá trị sức lao động. Đây là thước đo để xác định mức tiền công các loại lao động , là căn cứ để thuê mướn lao động , là cơ sở để xác định đơn giá sản phẩm .

– Thứ hai, tiền lương mang chức năng tái sản xuất sức lao động. Tiền lương cần phải bảo đảm cho nhu cầu tái sản xuất mở rộng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng sức lao động.

– Thứ ba, tiền lương có chức năng kích thích. Trả lương một cách hợp lý và khoa học sẽ kích thích quan trọng, hữu ích nhằm kích thích người lao động làm việc một cách hiệu quả.

– Cuối cùng, tiền lương mang chức năng tích lũy. Tiền lương trả cho người lao động phải đảm bảo duy trì được cuộc sống hàng ngày trong thời gian làm việc và còn dự phòng cho cuộc sống lâu dài khi họ hết khả năng lao động hay gặp rủi ro.

3. Công ty có nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn

Điều 94 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã quy định công ty có nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Cụ thể:

“Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Bên cạnh đó, để thể hiện sự quan tâm tới người sử dụng lao động, luật cũng cho phép người sử dụng lao động được phép chậm lương người lao động trong trường hợp  vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Tuy nhiên doanh nghiệp chỉ được chậm lương không quá 30 ngày.

Nếu trường hợp trả lương chậm theo quy định, căn cứ khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Nếu chậm lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Điều này để đảm bảo người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ với người lao động và người lao động không bị thiệt thòi.

4. Mức phạt khi công ty chậm trả lương cho lao động

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP, đối với trường hợp doanh nghiệp cố ý chậm trả lương hoặc thuộc trường hợp đặc biệt nêu trên nhưng trả lương chậm quá 01 tháng thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cụ thể như sau:

“Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương 

2. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn;…

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, công ty cần trả lương đúng hạn, đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

5. Kết luận

Từ những chia sẻ của Luật Vitam có thể khẳng định rằng thanh toán tiền lương đầy đủ đúng, đúng hạn là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Trong trường hợp công ty nợ lương, người lao động có quyền đề nghị công ty thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *